Theo cuộc khảo sát do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố mới đây, có tới 98% người được hỏi ở Scotland cho biết họ đeo khẩu trang hoặc sử dụng các vật dụng để che chắn khu vực mũi miệng ít nhất 1 lần khi ra ngoài vào tuần trước, trong khi con số này ở xứ England là 97% và xứ Wales là 73%. Cả ba vùng này đều ghi nhận sự gia tăng việc sử dụng khẩu trang trong hơn 2 tháng qua.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy cứ 10 người lại có khoảng 8 người tại Anh cho rằng cảnh sát cần cứng rắn khi xử lý những đối tượng không tuân thủ các quy định nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, khoảng 53% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp phong tỏa đối với các khu vực địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong khi xu hướng đeo khẩu trang để ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 đang gia tăng tại Anh, một số nước Italy và Croatia lại chứng kiện sự phản đối của người dân về việc sử dụng vật dụng này.
Ngày 5/9, khoảng 1.000 người đã xuống đường biểu tình tại trung tâm thủ đô Rome nhằm chống lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với trẻ em trong độ tuổi đi học và cũng như việc tiêm chủng bắt buộc cho các em. Các nhà tổ chức cuộc biểu tình, bao gồm đảng cực hữu Forza Nuova, phong trào chống vaccine và các nhóm dân sự bác bỏ sự nguy hiểm của virus, chỉ trích tất cả các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Cuộc biểu tình đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của giới chức Italy. Phát biểu tại một sự kiện hằng năm ở Rome, Thủ tướng nước này Giuseppe Conte nêu rõ: "Ngày hôm nay có nhiều người dân tụ tập tại Rome, những người cho rằng dịch bệnh không tồn tại. Câu trả lời dành cho họ là: đã có hơn 274.000 người mắc và hơn 35.000 người tử vong".
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh lo ngại về số ca mắc COVID-19 liên tục gia tăng dù ở mức hạn chế được ghi nhận trong 5 tuần qua ở Italy. Theo các số liệu cập nhật tới tối 5/9, Bộ Y tế Italy đã ghi nhận tổng cộng 276.338 ca mắc, tăng 1.695 ca trong 24 giờ qua, và 35.534 ca tử vong.
Cùng ngày, hàng nghìn người Croatia cũng đã tiến hành biểu tình tại thủ đô Zagreb nhằm phản đối các biện pháp chống dịch của chính phủ. Những người biểu tình cho rằng dịch COVID-19 là "một sự dối trá" và ảnh hưởng tới quyền tự do của họ, đồng thời kêu gọi không đeo khẩu trang.
Trên mạng xã hội Facebook, Bộ trưởng Y tế Vili Beros đã chỉ trích cuộc biểu tình, bày tỏ phản đối "cách tiếp cận phản khoa học đối với dịch COVID-19". Quan chức này nêu rõ: "Tất cả các biện pháp tạm thời chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân Croatia. Chúng tôi đã thực hiện điều đó thành công".
Đất nước gồm 4,2 triệu dân này đã đạt được những kết quả chống dịch tích cực khi những tháng đầu tiên dịch bùng phát chỉ ghi nhận chưa tới 100 ca/ngày và sau đó gần như không có ca mắc mới vào giữa tháng 5. Tuy nhiên, các ca mắc mới đã gia tăng trở lại kể từ khi Croatia mở cửa biên giới đón khách du lịch trong dịp Hè qua, khi tăng lên hơn 200 ca/ngày vào cuối tháng 8 và mức kỷ lục 369 ca vào ngày 3/9 vừa qua. Tới nay, nước này đã ghi nhận 12.000 ca mắc và 197 ca tử vong do dịch COVID-19.
Kể từ giữa tháng 7, việc đeo khẩu trang đã trở thành điều bắt buộc trên các phương tiện công cộng, các cửa hàng và tất cả các dịch vụ liên quan tới việc tiếp xúc gần với khách hàng tại Croatia. Việc hạn chế đối với số người tham gia các buổi tụ tập cũng được quy định khác nhau tùy thuộc vào mỗi khu vực.