Nga-Trung hợp tác vũ trụ nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ?

Trung Quốc và Nga ngày 2/12 tuyên bố mở rộng hợp tác khám phá vũ trụ và các công nghệ liên quan. Diễn biến xảy ra cùng thời điểm tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh trên Mặt Trăng, góp phần đưa nước này tiến xa hơn trong thách thức chương trình vũ trụ của Mỹ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nga trong hội nghị trực tuyến ngày 2/12. Ảnh: Xinhua

Hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) đưa tin Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin đã tuyên bố hợp tác khám phá vũ trụ qua hội nghị trực tuyến ngày 2/12. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sẵn sàng đẩy mạnh phối hợp trong nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19.

Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ mở rộng hợp tác trong khám phá Mặt Trăng và vũ trụ, công nghệ liên lạc vệ tinh. Hai phía cũng cho biết hợp tác lâu dài về định vị vệ tinh bằng tăng cường năng lực vệ tinh BeiDou thuộc Trung Quốc và Glonass của Nga.

Nhà phân tích quân sự Song Zhongping nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) rằng hợp tác tiềm năng về vũ trụ giữa Moskva và Bắc Kinh có thể khiến Mỹ lo ngại về những bước tiến của Trung Quốc trong ngành không gian vũ trụ. Ông Song Zhongping nhấn mạnh: “Trung Quốc đã đạt được phát triển vượt bậc trong khám phá Mặt Trăng, Sao Hỏa và vũ trụ”.

Hợp tác Nga-Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ có thể đem lại lợi ích cho quân đội hai nước bởi chương trình vũ trụ vốn liên quan đến công nghệ lưỡng dụng dành cho cả mục đích quân sự và dân sự. Chương trình vũ trụ liên quan đến quân sự của Bắc Kinh đã phát triển nhanh chóng kể từ khi Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới tự đưa phi hành gia lên không trung vào năm 2003, sau Mỹ và Nga.

Năm 2011, Trung Quốc cũng phóng trạm không gian Tiangong-1, sau đó là một trạm không gian tương tự vào năm 2016. Ngoài ra, Trung Quốc dự định thành lập trạm vũ trụ dài hạn vào đầu năm 2022. Nga hiện không sở hữu trạm không gian độc lập đang hoạt động nào. Trạm vũ trụ cuối cùng của Nga là Mir-1 đã quay trở lại Trái Đất năm 2001. Do thiếu đầu tư, trạm Mir-2 của Nga đã trở thành một phần thuộc Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do Mỹ dẫn đầu.

Chuyên gia quân sự Liang Guoliang cho biết việc Bắc Kinh và Moskva cùng bắt tay hình thành trạm vũ trụ Trung Quốc là bước đi mang tính thực tiễn khi cả hai nước đều trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt Mỹ.

Ông Liang nhận định: “Trung Quốc cần kinh nghiệm về vũ trụ của Nga trong khi đó Moska lại cần nguồn vốn từ Bắc Kinh để duy trì các chương trình nghiên cứu vũ trụ cũng như giữ việc làm cho các nhà khoa học Nga”. Thiếu nguồn vốn nghiên cứu là vấn đề đặc biệt với các nhà khoa học Nga hiện nay.

Cũng trong hội nghị trực tuyến ngày 2/12, Thủ tướng Lý Khắc Cường và người đồng cấp Mishustin cam kết chia sẻ cơ hội phát triển và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Hai quốc gia cũng thống nhất tổ chức huấn luyện chung vào năm 2021 về xử lý dịch bệnh.

Hà Linh/Báo Tin tức
Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga sản xuất phim trên Trạm vũ trụ quốc tế
Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga sản xuất phim trên Trạm vũ trụ quốc tế

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Rosmocos), cùng với đài truyền hình Channel One và hãng phim Nga Yellow, Black and White, chuẩn bị quay một bộ phim truyện trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Theo hãng tin RBC, việc tuyển chọn diễn viên cho vai nữ chính đã bắt đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN