Ngành truyền hình đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ metaverse

Giới chuyên gia cảnh báo rằng các công ty truyền hình sẽ cần phải tìm cách thích nghi với thế giới giải trí trực tuyến đang phát triển nhanh chóng nếu họ muốn có hy vọng tồn tại.

Các đài truyền hình vốn đã hụt hơi để bắt kịp những “gã khổng lồ” trò chơi trực tuyến trong cuộc chiến giành sự chú ý của khán giả trẻ cùng các khoản tiền quảng cáo liên quan. Nhưng ngành này sẽ gặp thêm nhiều khó khăn hơn nữa một khi metaverse (vũ trụ ảo) phát triển và trở nên phổ biến hơn.

Metaverse - một thuật ngữ chưa được định nghĩa rõ ràng, bao gồm hệ sinh thái đang phát triển của thế giới tương tác trực tuyến, trò chơi địa điểm và địa điểm gặp gỡ 3D. Dù còn khá mới mẻ, metaverse vẫn thu hút sự chú ý từ hàng triệu người dùng và giới chuyên gia.

Theo công ty cung cấp dữ liệu thị trường Statista, trong khi người tiêu dùng lớn tuổi vẫn tiếp tục theo dõi TV truyền thống, lượng người xem ở độ tuổi dưới 35 đã giảm một nửa trong một thập kỷ và sẽ giảm mạnh khi metaverse phát triển.

Ông Frederic Cavazza, đồng sáng lập của công ty Pháp Sysk chuyên về chuyển đổi kỹ thuật số, cho biết những người trẻ tuổi đã thoát khỏi vị trí những người xem TV thụ động để trở thành những người tham gia chủ động. Trong quá trình đó, họ chuyển từ màn hình TV sang điện thoại thông minh.

Để tiếp cận những người trẻ tuổi, các đài truyền hình phải cạnh tranh với các nền tảng trò chơi như Roblox, Fortnite và Minecraft - được coi là những tiền thân của metaverse - vốn đã thiết lập được vị trí thống trị của mình.

Theo công ty nghiên cứu truyền thông Dubit, một nửa trong số trẻ từ 9-12 tuổi ở Mỹ sử dụng Roblox ít nhất một lần một tuần. Nhóm trẻ này làm mọi thứ trên Roblox, từ chơi game, xem hòa nhạc trực tuyến cho đến đơn thuần trò chuyện với bạn bè.

Và các con số cho thấy nền tảng đó có lượng người dùng lớn ra sao: 33 triệu người đã xem ca sĩ nhạc rap Lil Nas X biểu diễn trên Roblox vào năm 2020 - gấp ba lần con số anh ấy nhận được trên TV tại giải Grammy hồi đầu tuần này.

Ông Matthew Warneford, nhà đồng sáng lập Dubit, cho biết các đài truyền hình phải lựa chọn giữa việc liệu họ còn muốn gắn bó với thị trường truyền hình truyền thống vốn đang thu hẹp, hay bắt đầu đưa các nhân vật và thương hiệu của họ lên các nền tảng metaverse.

Các công ty truyền hình vẫn có thời gian để thích nghi. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đồng thời đảm bảo phục vụ nhóm người dùng lớn tuổi thích xem các chương trình truyền hình truyền thống, nhóm trung niên đang chuyển sang các nền tảng phát trực tuyến (streaming) và nhóm trẻ tuổi muốn các dịch vụ giải trí tương tác và mang tính xã hội.

Ngoài ra, một thách thức lớn của các hãng truyền hình là vấn đề tài chính.

Cho đến nay, các hãng truyền hình không chịu nhiều tác động từ xu hướng chuyển lên nền tảng số, vì doanh thu quảng cáo của họ hầu như ít bị ảnh hưởng - không giống các phương tiện truyền thống khác như báo chí. Song ông Warneford nói rằng điều đó có thể thay đổi rất nhanh chóng mà ít người nhận ra.

Trước đây, rất khó để chuyển quảng cáo truyền hình lên thế giới game trực tuyến, vì chúng được tạo ra bởi các công ty riêng lẻ muốn kiểm soát và thu mọi lợi nhuận từ chúng. Nhưng với sự rộng mở của metaverse, các thương hiệu sẽ có thêm nhiều không gian để quảng bá bản thân và bán hàng trực tiếp cho người dùng.

Ông Warneford lưu ý rằng nhiều nhãn thời trang và đồ xa xỉ đã có được hàng triệu lượt bán quần áo và phụ kiện trên Roblox, Fortnite và các nền tảng khác. Nếu họ muốn tiếp cận những người trẻ tuổi, rất dễ hiểu nếu các công ty từ bỏ TV và tìm đến nơi mà những người trẻ tuổi thực sự đang tương tác - trong thế giới trò chơi trực tuyến và metaverse.

H.Thủy (TTXVN)
Xu hướng người chơi Metaverse là người trẻ
Xu hướng người chơi Metaverse là người trẻ

Metaverse là không gian ảo trực tuyến được tạo nên từ Internet, nơi con người - với “thế thân” là các nhân vật 3D-có thể kết nối, giao lưu, làm việc, mua sắm và giải trí với nhau. Là thế giới ảo song song với thế giới thực, Metaverse được kỳ vọng trở thành bước ngoặt của tương lai. Được hỗ trợ bởi các thiết bị thực tế ảo như VR (Virtual Reality), hay thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), Metaverse cho phép người dùng có được những trải nghiệm rất chân thật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN