Ngành hàng không Mỹ Latinh vận động việc thông qua Chứng nhận COVID-19 của EU

Ngày 6/12, nhiều hiệp hội vận tải hàng không cùng kiến nghị chính phủ các nước Mỹ Latinh và Caribe tham gia hệ thống Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 (DCC) của Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Kiểm tra chứng nhận tiêm phòng COVID-19 của hành khách tại sân bay Liege, Bỉ, ngày 16/6/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cùng với Hội đồng Sân bay Quốc tế Mỹ Latinh và Caribe (ACI-LAC), Hiệp hội Vận tải Hàng không Mỹ Latinh và Caribe (ALTA) và Tổ chức Dịch vụ Hàng không Dân dụng (Canso), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đưa ra đề xuất tương tự với lập luận rằng việc thông qua hệ thống hộ chiếu vaccine kỹ thuật số nói trên sẽ tạo thuận lợi cho việc di chuyển tự do giữa các quốc gia, trong khi vẫn đảm bảo an ninh y tế.

Trong tuyên bố chung, các hiệp hội nói trên nhấn mạnh rằng mặc dù việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiện chưa phải là bắt buộc, nhưng những hành khách đã tiêm chủng đầy đủ nên được ưu tiên miễn các hạn chế và kiểm dịch tại các đường bay quốc tế, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải có một hệ thống xác nhận và chứng nhận tiêm chủng đơn giản, nhanh, hiệu quả và giá cả phải chăng để hiện thực hóa điều này.

Trong bối cảnh hiện nay khi chưa có một tiêu chuẩn toàn cầu thống nhất cho chứng nhận vaccine kỹ thuật số, DCC đang đáp ứng được tất cả những tiêu chí đề cập ở trên, với định dạng linh hoạt ở cả dạng giấy và kỹ thuật số, phần mềm có khả năng truy cập mở, tương tác dễ dàng và hoàn toàn miễn phí.

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của Liên minh châu Âu là xác nhận điện tử cho biết một người đã được tiêm chủng ngừa COVID-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72h hoặc đã bình phục sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Chứng chỉ này có mã QR, có thể được lưu trữ trên điện thoại di động hoặc in ra giấy. Đây là những nỗ lực của EU trong việc thúc đẩy các hoạt động phục hồi ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch.

Cho đến nay, EU đã ký kết thỏa thuận công nhận tương đương chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID với 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên năm lục địa, trong đó có các quốc gia bên ngoài EU như Vương quốc Anh, Thụy Sỹ, Na Uy, Serbia, Ukraine, Albania, Bắc Macedonia.

Mai Phương (P/v TTXVN tại La Habana)
Ủy ban châu Âu đề xuất thời hạn hiệu lực đối với chứng nhận tiêm chủng
Ủy ban châu Âu đề xuất thời hạn hiệu lực đối với chứng nhận tiêm chủng

Ủy ban châu Âu ngày 25/11 đã đưa ra đề xuất chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 có hiệu lực trong vòng 9 tháng sau mũi tiêm thứ 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN