EU xác lập tiêu chí vàng toàn cầu về chứng nhận COVID-19 kĩ thuật số

Liên minh châu Âu đã cấp chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số cho hơn 600 triệu dân, một chứng nhận được coi là tiêu chuẩn cho toàn cầu để thúc đẩy di chuyển xuyên biên giới trong điều kiện sống chung với đại dịch.

Chú thích ảnh
Chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của EU chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7/2021. Ảnh: EPA

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã hoàn tất báo cáo về chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của EU và việc triển khai chứng nhận này ở EU. Tài liệu khẳng định chứng nhận này của EU là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chiến lược ứng phó của châu Âu trước đại dịch COVID-19, với hơn 600 triệu chứng nhận đã được cấp.

Chứng nhận này chứa đựng thông tin cơ bản về tình trạng tiêm chủng, xét nghiệm, phục hồi sau khi nhiễm COVID-19. Nó có tác dụng thúc đẩy việc di chuyển an toàn cho công dân EU và được coi là chìa khóa để hỗ trợ du lịch, ngành chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch ở châu Âu.

Cũng có thể coi chứng nhận COVID-19 kĩ thuật số của EU là câu chuyện thành công toàn cầu. Bởi nó đã định ra một tiêu chí toàn cầu và hiện là hệ thống duy nhất trên thế giới vận hành ở cấp độ quốc tế. 43 nước tại 4 châu lục đã kết nối vào dự án này và sẽ còn nhiều nước tham gia vào hệ thống trong thời gian tới.

Lịch sử ra đời của chứng nhận COVID-19 kĩ thuật số EU

Ngày 17/3/2021, Ủy ban châu Âu chính thức đề xuất ý tưởng phát hành “Thẻ Xanh kĩ thuật số” (DGC) nhằm phục hồi tự do di chuyển trong nội bộ EU. Tháng 5/2021, một số thành viên EU tham gia chương trình thử nghiệm “Thẻ Xanh”.

Ngày 14/6, Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu đã thông qua đạo luật về chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của EU. Quy định này yêu cầu Ủy ban châu Âu đệ trình báo cáo tới EP và Hội đồng châu Âu về triển khai, thực hiện chứng chỉ kỹ thuật số (Thẻ xanh kĩ thuật số), chậm nhất là vào ngày 31/10/2021.

Đạo luật định ra nền tảng chung về việc cấp phát, xác nhận chứng chỉ. Đây là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc thẻ cứng để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia. Mã QR này gồm ba nội dung chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 (sử dụng các loại vaccine được EU phê chuẩn), kết quả mới nhất xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có kháng thể sau khi đã mắc COVID-19. Mục đích chính là giúp tạo thuận lợi cho tự do di chuyển của công dân châu Âu trong thời điểm đại dịch.

Đạo luật ban hành ngày 14/6 khẳng định chủ sở hữu Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU có thể thoải mái di chuyển trong 27 quốc gia nội khối, cùng bốn quốc gia liên kết là Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein, mà không cần cách ly hoặc thực hiện thêm các thủ tục xét nghiệm khác.

Tuy nhiên, đạo luật này cũng đưa ra cơ chế “phanh khẩn cấp," theo đó nếu tình hình dịch bệnh một nước EU có chiều hướng xấu đi nhanh chóng hoặc xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, thì những người tới từ nước này vẫn sẽ phải tuân thủ quy định cách ly thông thường.

Thành công của “Thẻ xanh kĩ thuật số” qua những con số

 

Chú thích ảnh
Du lịch là lĩnh vực được hưởng lợi từ chương trình "Thẻ xanh kỹ thuật số" của EU. Ảnh: AFP/TTXVN

“Thẻ xanh kĩ thuật số” được triển khai chính thức từ ngày 1/7, nhằm đón lõng mùa du lịch cao điểm ở châu Âu. Cho đến nay, các nước thành viên EU đã phát hành hơn 600 triệu chứng nhận. Có 43 quốc gia tham gia kết nối vào hệ thống tiêu chuẩn của EU, gồm: 27 nước thành viên EU, 3 nước thuộc Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), Thụy Sĩ và 12 quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Ngoài ra, EU cũng đang thảo luận kĩ thuật với 28 nước khác về đấu nối với hệ thống “chứng chỉ xanh” của EU.

Vận tải hàng không là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ chứng chỉ kỹ thuật số này. Theo thống kê của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), lượng hành khách sử dụng loại hình vận tải hàng không trong tháng 7 năm 2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, mà phần lớn trong số này là dựa vào thay đổi về quy định di chuyển, đi lại bằng “chứng chỉ xanh” ở châu Âu.

Theo khảo sát của Eurobarometer – Cơ quan thăm dò của Ủy ban châu Âu, có tới 65% số người được hỏi cho rằng “chứng chỉ xanh” của EU là phương tiện an toàn nhất để thực hiện tự do di chuyển tại châu Âu trong thời gian đại dịch. Ngoài ra, 20 quốc gia thành viên EU cũng sử dụng chứng nhận này cho các mục đích trong nội địa - như xác định tiêu chí để tham dự các sự kiện lớn, tới nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tảng…

Loạt chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của EU sẽ có hiệu lực đến ngày 30/6/2022. Phía trước sẽ là một số phần việc cần tiếp tục xử lý. EC sẽ giám sát chặt chẽ thời hạn hiệu lực của vaccine và chứng nhận phục hồi để cấp mới, gia hạn chứng nhận. Cơ quan này cũng sẽ bổ sung một số lựa chọn khác nếu nhận được hướng dẫn khoa học. Ủy ban cũng phối hợp với các nước thành viên ở cấp kĩ thuật về thực thi quy định cấp chứng nhận này.

Đến thời điểm này, có thể nhận thấy chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của EU góp phần hồi sinh châu Âu, bảo đảm một châu Âu cởi mở, một châu Âu không biên giới cũng như một châu Âu đang mở cửa trở lại một cách chậm nhưng chắc chắn sau giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch – như lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, từng phát biểu.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo covidpasscertificate, europa.eu)
EU đề xuất thảo luận về chứng nhận vaccine COVID-19 với Nga
EU đề xuất thảo luận về chứng nhận vaccine COVID-19 với Nga

Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất đàm phán với Nga về phương thức đảm bảo cho những người đã tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 có thể đi lại qua biên giới các nước mà không bị yêu cầu cách ly và xét nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN