Hôm 3/1, Cơ quan Quản lý hoạt động ngân hàng của Trung Quốc (CBIRC) ra tuyên bố nêu rõ từ đầu năm 2020, các ngân hàng nước ngoài có thể thành lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc mà không cần phải tìm kiếm một đối tác nội địa giữ phần lớn cổ phần như trước đây.
Lâu nay, các ngân hàng nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc buộc phải tìm một đối tác nội địa và không được phép sở hữu quá 49% cổ phần trong liên doanh.
Tuyên bố trên được coi là một động thái thiện chí từ phía Trung Quốc dành cho Mỹ giữa lúc hai bên đang hướng tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại sơ bộ giúp xoa dịu căng thẳng thương mại song phương đã kéo dài hơn một năm qua.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng phát từ tháng 3/2018, dẫn tới hàng loạt biện pháp áp thuế trả đũa lẫn nhau, với khối lượng hàng hóa có tổng trị giá hàng trăm tỷ USD.
Bắc Kinh từ lâu đã cam kết sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài nhưng cam kết này được triển khai rất chậm trong lĩnh vực tài chính.
Hồi tháng 10/2019, Trung Quốc công bố lịch trình dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Đến tháng 12/2019, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã được cấp phép sở hữu phần lớn cổ phần trong các chi nhánh tại quốc gia châu Á này.
Từ ngày 1/1/2020, các công ty nước ngoài chuyên lĩnh vực hợp đồng tài chính tương lai có thể đầu tư vào Trung Quốc mà không bị hạn chế số lượng vốn được nắm giữ. Các công ty quản lý vốn và các công ty môi giới tài chính sẽ lần lượt được áp dụng quy định mới từ các ngày 1/4 và 1/12/2020.