Arthur Petrov (trái) và Ksenia Karelina (phải). Ảnh: Sputnik
Cụ thể, Nga đã trả tự do cho Ksenia Karelina - công dân mang hai quốc tịch Mỹ và Nga. Đây là người từng bị kết án vì quyên góp cho một tổ chức từ thiện hỗ trợ quân đội Ukraine. Đổi lại, Mỹ đã phóng thích Arthur Petrov - công dân mang hai quốc tịch Đức và Nga. Người này bị bắt giữ vì cáo buộc xuất khẩu trái phép linh kiện vi điện tử nhạy cảm. Luật sư của Karelina đã xác nhận với hãng tin RIA Novosti rằng cô đã được thả.
Karelina, 34 tuổi, là một vũ công ballet và đã bị kết án 12 năm tù vì tội phản quốc vào năm 2024 sau khi bị xác định có hành vi quyên góp khoảng 50 USD cho một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Mỹ ủng hộ Ukraine. Petrov, 33 tuổi, bị bắt tại Síp năm 2023 theo yêu cầu của Mỹ và bị cáo buộc buôn lậu, gian lận điện tín, rửa tiền.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng tuyên bố Petrov bị cáo buộc tham gia một kế hoạch thu mua linh kiện vi điện tử có nguồn gốc từ Mỹ, thuộc diện kiểm soát xuất khẩu, với mục đích phục vụ quân đội Nga.
Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông John Ratcliffe, phát biểu với Wall Street Journal: “Hôm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa thêm một công dân Mỹ bị giam giữ tại Nga trở về nước. Tôi tự hào về các nhân viên CIA đã nỗ lực không ngừng vì nhiệm vụ này và chúng tôi cảm ơn chính phủ UAE đã tạo điều kiện cho cuộc trao đổi”.
Một nữ phát ngôn viên CIA phát biểu: “Cuộc trao đổi này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc với Nga, bất chấp những thách thức lớn trong quan hệ song phương”. Bà nói thêm rằng mặc dù Mỹ thất vọng vì vẫn còn những công dân Mỹ bị giam giữ tại Nga nhưng chính quyền Mỹ coi đây là một bước đi tích cực và sẽ tiếp tục nỗ lực để họ được thả tự do.
Cuộc trao đổi tù nhân gần nhất giữa hai nước diễn ra hồi tháng 2, khi Nga phóng thích ông Marc Fogel – cựu nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Nga và là giáo viên tại một trường học ở Moskva. Ông này bị bắt vì sở hữu cần sa và dầu chiết xuất từ cần sa. Đổi lại, Mỹ trả tự do cho ông Aleksandr Vinnik – doanh nhân tiền mã hóa và lập trình viên máy tính người Nga, bị cáo buộc tấn công mạng, gian lận và rửa tiền.
Cuộc trao đổi tù nhân lần này diễn ra trong bối cảnh các phái đoàn Nga và Mỹ đang nhóm họp kín tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm thảo luận về bình thường hóa quan hệ song phương, bao gồm gỡ bỏ những rào cản đối với hoạt động của các phái bộ ngoại giao.
Tại cuộc họp báo trước cuộc họp kín trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce nói rõ, vòng tham vấn lần này chỉ tập trung vào hoạt động của đại sứ quán hai nước, song chưa đề cập đến việc bình thường hóa quan hệ song phương. Bà lưu ý rằng việc bình thường hóa quan hệ song phương có thể chỉ diễn ra khi đạt được hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo người phát ngôn này, các cuộc thảo luận cũng không đề cập đến bất kỳ vấn đề chính trị hay an ninh nào. Ngoài ra, vấn đề cuộc xung đột ở Ukraine cũng không nằm trong chương trình nghị sự.
Phái đoàn Nga tham gia vòng tham vấn thứ hai với phái đoàn Mỹ tại Istanbul do Đại sứ Nga tại Mỹ Alexander Darchiev dẫn đầu. Trong khi đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nga và Trung Âu, bà Sonata Coulter, dẫn đầu phái đoàn Mỹ.
Vòng tham vấn trước đó giữa hai bên cũng được tổ chức tại Istanbul vào ngày 27/2. Bộ Ngoại giao Nga đánh giá các cuộc tham vấn là có ý nghĩa thực chất và chuyên nghiệp, đồng thời lưu ý rằng các bên đã nhất trí tiếp tục đối thoại thông qua kênh này.