Trả lời phỏng vấn tạp chí Argumenty i Fakty, khi được hỏi về cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan, ông Patrushev nêu rõ: "Belarus là đồng minh và đối tác chiến lược gần gũi nhất của chúng tôi".
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Patrushev khẳng định cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan có thể được xem là kết quả của sức ép bên ngoài nhằm vào Minsk. Quan chức này còn cho rằng có nhiều nhóm can dự vào việc đưa người di cư vào châu Âu qua Belarus và việc di chuyển của người di cư từ khu vực biên giới Ba Lan tới Đức "được tổ chức kỹ càng".
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Belarus thông báo 118 người di cư đã rời khỏi nước này một ngày trước đó và thêm nhiều người nữa sẽ rời khỏi đây trong ngày.
Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Belarus đã leo thang trong thời gian gần đây xung quanh vấn đề người di cư ở khu vực biên giới Belarus và Ba Lan, cửa ngõ vào EU. Brussels đã cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong liên minh nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này. Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ.
Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh. Belarus đã đề xuất kế hoạch trong đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Ủy ban châu Âu (EC) và Đức bác bỏ.