Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi yêu cầu họ rời khỏi đất nước trong vòng 14 ngày kể từ khi (chúng tôi) chuyển công hàm tới Ngài Đại sứ (Bồ Đào Nha)”.
Quyết định trên được đưa ra sau hàng loạt bước đi tương tự của Moskva nhằm đáp trả việc các quốc gia châu Âu trục xuất trên 300 nhân viên ngoại giao làm việc tại các đại sứ quán của Nga.
Trước đó một ngày, Nga đã thông báo trục xuất tổng cộng 85 nhân viên đại sứ quán của Pháp, Tây Ban Nha và Italy nhằm đáp trả hành động tương tự từ 3 quốc gia này.
Trong diễn biến khác ngày 19/5, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với lĩnh vực hàng không của Nga nhằm ngăn chặn 3 hãng hàng không quốc doanh Aeroflot, Ural Airlines và Rossiya Airlines bán vị trí đỗ máy bay không sử dụng của họ tại các sân bay ở Anh. London ước tính tổng giá trị các vị trí đỗ máy bay của 3 hãng hàng không Nga lên đến 50 triệu bảng Anh (khoảng 61,9 triệu USD).
Ngoại trưởng Anh Liz Truss ra thông cáo nêu rõ từ ngày 19/5, nước này đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga để các hãng này không thể kiếm tiền từ các vị trí đỗ tại các sân bay của Anh.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Rome, cảnh sát tài chính Italy cho biết đã đóng băng số tài sản trị giá 146 triệu euro (153 triệu USD) thuộc sở hữu của Superjet International, một liên doanh giữa tập đoàn sản xuất máy bay quân sự Sukhoi của Nga và tập đoàn điện tử - hàng không vũ trụ Leonardo của Italy. Liên doanh này có trụ sở tại Venice và có khoảng 140 người lao động tại Italy.
Thông báo của cảnh sát nêu rõ động thái đóng băng tài sản nhằm vào 90% cổ phần của Sukhoi trong liên doanh trên và các tài sản khác bao gồm 5 máy bay. Tập đoàn Sukhoi nằm trong danh sách bị Liên minh châu Âu trừng phạt do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Trong khi đó, 10% cổ phần thuộc sở hữu của Leonardo vẫn chưa bị đóng băng.