Nga thừa nhận khả năng hiện thực hóa thấp về đồng tiền chung của BRICS

Trong số 5 nước thành viên của BRICS, Brazil, Nga, Trung Quốc ủng hộ việc cho ra đời một loại tiền tệ chung của nhóm nhằm thách thức sự thống trị của phương Tây đối với tài chính toàn cầu.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov. Ảnh: AP

Dự án đồng tiền chung BRICS (gồm các nước Nga, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Brazil) do một số thành viên tích cực vận động hành lang, hứa hẹn sẽ chấm dứt quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ (USD), dường như đang rơi vào bế tắc.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây cho biết ý tưởng đưa ra một đồng tiền chung cho 5 quốc gia trong BRICS “khó khả thi trong ngắn hạn”.

Ông Peskov thừa nhận: “Vấn đề này vẫn là một quá trình thảo luận” đang diễn ra ở cấp độ chuyên gia. Theo ông Peskov, khả năng hiện thực hóa thấp của đồng tiền chung trong BRICS không có nghĩa là dự án bị dừng hoàn toàn. 

“Quá trình phi USD của nền kinh tế thế giới đang diễn ra một cách chắc chắn. Nhiều quốc gia đang hướng tới sử dụng tiền tệ quốc gia trong các thỏa thuận chung”, ông Peskov lưu ý.

Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời Anil Sooklal, Đại sứ lưu động của Nam Phi về châu Á và BRICS, loại tiền tệ mới của BRICS sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh của khối tại Nam Phi trong tháng 8 này, trong khi các nước thành viên sẽ tiếp tục sử dụng đồng đô la Mỹ (USD) liên quan đến giao dịch thương mại.

Ông Sooklal nói: “Chưa có cuộc thảo luận nào về một loại tiền tệ chung mới của BRICS, nó không có trong chương trình nghị sự. Những gì chúng tôi đã nói và chúng tôi tiếp tục trao đổi là giao dịch bằng đồng nội tệ và thanh toán bằng đồng nội tệ".

Hồi tháng 7 vừa qua, Ấn Độ cũng bất ngờ tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia vào dự án tạo ra một loại tiền tệ mới của BRICS, vốn được kỳ vọng là sẽ có tác dụng giảm việc sử dụng đồng đô la Mỹ (USD) trong thanh toán thương mại quốc tế. 

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar, nước này không có kế hoạch về một loại tiền tệ của BRICS và có thể rút lui khỏi việc tạo ra đồng tiền mới. Thay vào đó, Ấn Độ tập trung vào việc củng cố đồng tiền quốc gia (đồng Rupee) và làm cho đồng Rupee mạnh hơn sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ.

Trong số 5 nước thành viên của BRICS, 3 nước là Brazil, Nga, Trung Quốc ủng hộ việc cho ra đời một loại tiền tệ chung của nhóm nhằm thách thức sự thống trị của phương Tây đối với tài chính toàn cầu trong bối cảnh Moskva bị áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine vào năm ngoái.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo UrduPoint/Sputnik)
Nga nêu quan điểm về việc mở rộng BRICS
Nga nêu quan điểm về việc mở rộng BRICS

Theo hãng tin TASS, ngày 3/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đánh giá việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ giúp nhóm lớn mạnh hơn, song khẳng định Moskva không đưa ra quan điểm về việc kết nạp một số quốc gia mới trước khi tất cả các nước thành viên thảo luận vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN