Theo hãng thông tấn Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với các phóng viên ở thị trấn phía nam Sochi ngày 23/6.
Ông Ryabkov nói: “Tôi thực sự hoài nghi rằng vấn đề này sẽ trở thành chủ đề của bất kỳ cuộc thảo luận hay tiết lộ công khai nào từ phía chúng tôi. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của một số quốc gia châu Âu và họ chưa từng đưa ra con số chính xác”.
Trước đó, cả Moskva và Minsk đều xác nhận Belarus đã bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga. Ngày 16/6, Tổng thống Vladimir Putin cho biết các đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Nga đã được chuyển đến Belarus và toàn bộ lô vũ khí này sẽ được triển khai vào cuối năm nay. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng do cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, loại vũ khí tầm ngắn này không thuộc các điều khoản của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) - thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington. Hồi tháng 2, Tổng thống Putin đã ký luật đình chỉ việc tham gia hiệp ước này.
Ông Ryabkov cho hay không có hiệp ước hoặc cơ chế nào xác minh ngư lôi tự động chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng hạt nhân, chẳng hạn Poseidon. Do đó, ông nói rằng Nga không có kế hoạch thông báo cho Mỹ về các cuộc thử nghiệm loại vũ khí này.
Giới chức Mỹ mô tả Poseidon là loại vũ khí kết hợp giữa ngư lôi và máy bay không người lái dưới nước, có khả năng kích hoạt các đợt sóng biển phóng xạ để nhắm mục tiêu các nhóm tác chiến hải quân hoặc phá huỷ các thành phố ven biển.
Hồi tháng 1, trích dẫn một nguồn tin quốc phòng giấu tên, hãng thông tấn TASS đưa tin Nga đã chế tạo bộ ngư lôi Poseidon đầu tiên để triển khai trên tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Belgorod.
Vào tháng 4, TASS cho biết Nga có kế hoạch thành lập một đội tàu ngầm chuyên dụng mang ngư lôi Poseidon như một phần của Hạm đội Thái Bình Dương vào cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm 2025.
Phản ứng trước động thái này, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng kho vũ khí hạt nhân tại Belarus. Song ông Blinken đã chỉ trích Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko vì cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.
Về phần mình, Tổng thống Lukashenko đã nhiều lần giải thích rằng đích thân ông yêu cầu Nga triển khai vũ khí để tăng cường an ninh của Belarus trước sự mở rộng của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Putin nhấn mạnh Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật vào lúc này. Ông nhắc lại rằng Moskva sẽ chỉ sử dụng kho vũ khí chiến lược khi đối mặt với mối đe dọa hiện hữu.