Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 60 phút, hai ngoại trưởng đã thống nhất sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về việc ký kết hiệp ước hòa bình, cho phép các cư dân cũ từng sống tại vùng đảo tranh chấp được trở về thăm mộ tổ tiên bằng máy bay và hợp tác kinh tế chung tại khu vực tranh chấp. Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán về hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông báo về cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng, trong đó cho biết cuộc điện đàm được tổ chức theo đề nghị của Tokyo. Hai bên đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hai ngoại trưởng cũng đã thảo luận về công tác chuẩn bị để thực hiện các hoạt động kinh tế chung tại vùng đảo tranh chấp.
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn báo giới Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc hợp tác về kinh tế, kỹ thuật và phối hợp trong chính sách đối ngoại giữa hai nước đã góp phần nâng cao quan hệ đối tác toàn diện một cách thực chất. Tuy nhiên, để thúc đẩy ký kết hiệp ước hòa bình thì hai bên cần tiếp tục nâng cao hơn nữa mức độ trong quan hệ song phương.
Quan hệ giữa Tokyo và Moskva lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc. Trở ngại chính là do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tháng 11/2018, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tới nay vẫn chưa đạt được tiến triển cụ thể nào. Hiến pháp Nga sửa đổi được thông qua vào tháng 7/2020 đã quy định cấm chuyển nhượng lãnh thổ, một động thái thể hiện thái độ không nhượng bộ của Moskva xung quanh vấn đề này, khiến cho triển vọng giải quyết tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản càng trở nên khó khăn.