Nga coi đây là yếu tố then chốt trong bất kỳ giải pháp hòa bình nào liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24, ông Grushko cho biết: "Trong NATO, có nhiều ý kiến khác nhau về việc kết nạp Ukraine. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đúng khi nhận định rằng các kế hoạch này sẽ cản trở hòa bình ở Ukraine và làm phức tạp việc xây dựng bất kỳ cấu trúc an ninh nào rộng lớn hơn. Quan điểm này cũng được nhiều quốc gia trong liên minh chia sẻ".
Theo Thứ trưởng Grushko, việc Ukraine gia nhập NATO chính là một trong những nguyên nhân gốc rễ của xung đột, và Nga sẽ không chỉ yêu cầu các đảm bảo pháp lý loại trừ khả năng này mà còn muốn biến điều đó thành chính sách chính thức của NATO.
Thứ trưởng Grushko cũng nhấn mạnh rằng Nga có đủ các phương tiện kỹ thuật và chiến lược để đảm bảo an ninh trong mọi tình huống. Ông dẫn chứng các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Oreshnik dựa trên sức mạnh của lực lượng hạt nhân, cùng với việc phát triển các công nghệ quốc phòng mới trong kho vũ khí của Nga.
"Chúng tôi tự tin rằng năng lực phòng thủ và an ninh của Nga sẽ luôn được đảm bảo ở mức cao nhất", ông khẳng định.
Ngoài ra, ông Grushko nhắc lại lập trường của Nga là không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp ngoại giao để duy trì an ninh khu vực.
Trước đó, ngày 21/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp nào của lực lượng NATO vào Ukraine đều có nguy cơ đẩy xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát. Bà khẳng định: “Kịch bản này hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga”.
Cảnh báo của Nga được đưa ra sau những phát biểu gần đây từ lãnh đạo Anh và Đức về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine.
Ngày 18/1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, với tư cách là quốc gia thành viên NATO lớn nhất ở châu Âu, Đức rõ ràng sẽ đóng vai trò quan trọng nếu một lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai tại Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh rằng vấn đề này sẽ được thảo luận vào thời điểm thích hợp.
Trước đó, ngày 16/1, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố Anh đã tiến hành các cuộc thảo luận với các đồng minh về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, đồng thời khẳng định London sẽ tham gia đầy đủ nếu kế hoạch được thực hiện.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/1 nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu với quy mô ít nhất 200.000 quân. Ông cho rằng lực lượng này sẽ đóng vai trò ngăn chặn một chiến dịch quân sự mới của Nga sau khi đạt được bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.
Trong bối cảnh này, bà Zakharova cũng nhắc lại cuộc họp của Ủy ban quân sự NATO tại Brussels hồi đầu tháng 1, nơi Tổng tham mưu trưởng các quốc gia như Kazakhstan, Azerbaijan, Ukraine và 23 đối tác khác tham dự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các nước tham gia nên cân nhắc cẩn thận liệu có đáng để gắn số phận của mình với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương hay không. Theo bà, NATO dù ban đầu đưa ra các đề xuất hợp tác, nhưng cuối cùng lại dẫn đến sự can thiệp vào công việc nội bộ, thay đổi chính sách đối ngoại và phá vỡ trật tự quốc gia của các nước khác.
Theo bà Zakharova, mọi động thái can thiệp từ NATO không chỉ làm phức tạp thêm nỗ lực đạt được hòa bình ở Ukraine mà còn có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh khu vực rộng lớn hơn.