Ngày 6/3, Nga đã cáo buộc Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép đối với sự kiên quyết của Moskva trước những diễn biến tình hình tại Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói: “Bộ Ngoại giao Mỹ đang nỗ lực diễn giải một chiều một cách đáng hổ thẹn về các sự kiện như thể không có được bằng chứng rõ ràng về sự vi phạm trắng trợn của các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan tại Ukraine”, ám chỉ tới một thông cáo mới được Chính quyền Mỹ công bố chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Lực lượng vũ trang tại Crưm đang tuần tra khu vực quan trọng. |
Ông Lukashevich nói tiếp: “Tất nhiên, Washington không thể thừa nhận đã ủng hộ phong trào Maidan (tức Quảng trường Độc lập tại Kiev) và khuyến khích lật đổ một chính quyền hợp pháp bằng sức mạnh, dọn đường cho những nhân vật hiện là chính phủ lâm thời tại Kiev”.
Ông Lukashevich nhấn mạnh Mỹ không có quyền răn dạy về sự phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của nước khác khi đề cập tới “những vụ không kích nhắm vào chính quyền Nam Tư trước đây hay việc xâm lược Iraq viện dẫn lý do sai trái” của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, một quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không nằm trong những mục tiêu chịu sự trừng phạt của Mỹ để đáp trả sự can dự của Nga vào Ukraine. Theo quan chức này, “sẽ là một tình huống đặc biệt và khác thường nếu trừng phạt một nguyên thủ quốc gia và chúng tôi sẽ không làm như vậy”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày đã tức giận gọi việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một danh sách những tuyên bố được cho là sai lầm của Tổng thống Putin trong tuần qua là một sự tuyên truyền “thấp kém”.
Thông cáo của bộ trên nhấn mạnh “chúng tôi sẽ không hạ mình tranh cãi với một sự tuyên truyền thấp kém”, ám chỉ danh sách mang tên “Sự ảo tưởng của Tổng thống Putin: 10 tuyên bố sai lầm về Ukraine” mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 5/3.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng một cuộc trưng cầu dân ý tại vùng lãnh thổ tự trị Crưm về việc gia nhập Liên bang Nga sẽ vi phạm Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế.
Tuyên bố trên được Tổng thống Obama đưa ra vài giờ sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm thị thực đối với một số quan chức cấp cao của Nga và hướng tới những biện pháp trừng phạt rộng hơn nhằm vào các cá nhân và thực thể tại Moskva nhằm trừng phạt sự can dự của Điện Kremlin vào Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Crưm sẽ vi phạm Hiến pháp Ukraine. Bất kỳ cuộc thảo luận nào về tương lai của Ukraine cần phải có sự tham gia của chính phủ hợp pháp của nước này”.
Ông Obama đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ hỗ trợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Ukraine vay tiền và cho rằng các giám sát viên quốc tế nên được phép đi vào Crưm. Ông cảnh báo nếu Nga tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế, giải pháp của Mỹ và đồng minh sẽ là kiên quyết.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một mực khẳng định Crưm thuộc về Ukraine sau khi Nghị viện khu vực tự trị này phê chuẩn việc trở thành một phần của Nga. Phát biểu với các nhà báo tại Rome (Italy), ông Kerry nói: "Crưm là một phần của Ukraine. Crưm là Ukraine. Chúng tôi ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Chính phủ Ukraine cần tham gia vào mọi quyết định" về việc liệu bán đảo này có nên chia tách hay không.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns cùng ngày cho hay đã có các cuộc thảo luận tích cực ở cấp cao trong Chính phủ Mỹ về cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên khí đốt của nước này để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
TN