Nga muốn tham gia Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc

Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Tây Nam Á khi tăng cường can dự tại Pakistan và Afghanistan. Động thái này nhằm chuẩn bị cho Nga tham gia Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Cổng vào cảng Gwadar ở Gwadar, Tây Nam Pakistan. Cảng là một phần của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Ảnh: cns

Theo trang oilprice.com, vào ngày 27/9, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã tiết lộ một thỏa thuận mà họ đã ký với Nga để nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ và lúa mì với mức giá chiết khấu. Thỏa thuận này diễn ra vài ngày trước khi Nga đồng ý bán xăng dầu thanh toán chậm cho Pakistan và mở rộng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí đốt ở Trung Á tới nước này.

Trên thực tế, Nga đã tìm cách mở rộng quan hệ ở Tây Nam Á trong những tháng gần đây. Nga can dự ngày càng sâu rộng vào Pakistan và Afghanistan là nhằm chuẩn bị gia nhập Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỷ USD. Đây là dự án hàng đầu trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Nga ngày càng quan tâm tới CPEC trong bối cảnh quan hệ Nga - Pakistan đang được tăng cường trong vài năm qua. Nga sẵn sàng tham gia CPEC vào năm 2016 khi yêu cầu Pakistan cho phép mình sử dụng cảng Gwadar để xuất khẩu. Cảng này có vị trí chiến lược dọc Biển Arab ở tỉnh Balochistan của Pakistan và là một phần thiết yếu của CPEC.

Pakistan đã chấp thuận yêu cầu của Nga và Thủ tướng Pakistan khi đó Nawaz Sharif đã hoan nghênh quyết định tham gia dự án của Điện Kremlin. Năm 2019, hai nước đã đồng ý với lộ trình 7 điểm được đề xuất để thúc đẩy quan hệ song phương. Nga tham gia CPEC là một trong 7 điểm trên.

Vậy tham gia CPEC có ý nghĩa gì đối với Nga về mặt chiến lược? Trên thực tế, tầm nhìn của Nga về Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng (GEP) đi qua CPEC – một phần của BRI. Thông qua tham gia CPEC, Điện Kremlin sẽ tìm cách hợp nhất Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) với BRI.

Vào tháng 4/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố tại Diễn đàn hợp tác quốc tế BRI lần thứ hai rằng 5 quốc gia thành viên EAEU đã nhất trí ủng hộ ý tưởng kết hợp EAEU với BRI.

Nhìn chung, sáp nhập EAEU và BRI sẽ là một bước tiến thực sự của Nga nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của GEP. Ngoài kết nối với BRI, Nga còn muốn cải thiện kết nối với Iran, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Với vị trí địa chiến lược, đánh dấu ngã ba của Nam, Trung và Tây Nam Á, Pakistan có tiềm năng mạnh mẽ để đóng vai trò đầy hứa hẹn trong biến GEP thành hiện thực. Do đó, Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã mô tả Pakistan là một trong những đối tác ưu tiên của Nga ở châu Á.

Trong khi đó, ngoài việc tăng cường quan hệ song phương, Trung Quốc còn muốn Nga đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan để cứu CPEC. Hơn nữa, Trung Quốc muốn Nga tham gia CPEC vì họ cần Nga đối phó với những thách thức an ninh xuất hiện sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021.

Đối với cả Trung Quốc và Nga, duy trì ổn định ở Afghanistan là chìa khóa để thực hiện các kế hoạch chiến lược rộng lớn hơn. Mặc dù cả hai nước vẫn chưa chính thức công nhận chính phủ hiện tại của Kabul, nhưng họ đã tăng cường quan hệ với Afghanistan thông qua một số thỏa thuận kể từ khi Taliban giành lại quyền lực.

Kế hoạch trên cho thấy Nga muốn củng cố mối quan hệ Nga - Afghanistan - Pakistan sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi khu vực.

Mối quan hệ này sẽ được củng cố rõ rệt nhất thông qua mở rộng CPEC tới Afghanistan và Nga tham gia trực tiếp dự án. Tuy nhiên, chỉ khi Afghanistan hòa bình và ổn định mới giúp ích cho kế hoạch mở rộng CPEC của Trung Quốc cũng như dự án GEP của Nga thành hiện thực. Vì mục tiêu này, kế hoạch mở rộng CPEC tới Afghanistan của Trung Quốc có thể trùng với thời điểm Nga chính thức tham gia BRI.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Kế hoạch 16 bước giải cứu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc
Kế hoạch 16 bước giải cứu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc

Các cơ quan quản lý tiết lộ kế hoạch cứu trợ tài chính sẽ giúp các nhà phát triển trong ngành bất động sản tránh được một cuộc khủng hoảng tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN