Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Về quan hệ của CH Cyprus với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy đối thoại, dựa trên lợi ích chung và tìm kiếm giải pháp công bằng và dựa trên luật pháp quốc tế".
Căng thẳng kéo dài nhiều thập kỷ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và CH Cyprus, quốc gia do cộng đồng người gốc Hy Lạp lãnh đạo và được chính quyền Athens ủng hộ, tiếp tục leo thang gần đây liên quan đến những cuộc tranh cãi về quyền khai thác khí đốt ở một khu vực ở phía Đông Địa Trung Hải.
Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây khiến cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả mở rộng ra các nước CH Cyprus, Ai Cập và Israel.
Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974. CH Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý và được quốc tế công nhận. Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus do cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ cai quản hiện vẫn chưa được quốc tế công nhận.