Tờ Dawn của Pakistan dẫn lời Bộ trưởng Asif phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Islamabad: “Nga khẳng định có thể cung cấp lúa mì cho chúng tôi vì những ngày tới chúng tôi có thể bị thiếu lương thực. Nga còn nói rằng họ có thể cung cấp cho chúng tôi khí đốt. Nga có những đường ống dẫn khí đốt ở Trung Á và hệ thống này có thể được mở rộng tới Pakistan qua Afghanistan. Những cuộc đàm phán về vấn đề này đã diễn ra”.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra thảm họa thứ hai ở Pakistan, đó là làn sóng bệnh tật và tử vong sau thảm họa lũ lụt. Theo tuyên bố, nguồn cung nước sạch đã bị gián đoạn khiến người dân Paksitan phải uống nước không an toàn, có thể lây lan bệnh tả và các bệnh tiêu chảy khác. Nước đọng lâu ngày tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây lan các bệnh do vecto truyền như sốt xuất huyết và sốt rét.
Các trung tâm y tế đã bị ngập lụt, vật tư bị hỏng và người dân phải di chuyển khỏi nhà khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ y tế thông thường. Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều ca sinh không an toàn, nhiều bệnh tiểu đường hoặc tim không được điều trị, nhiều trẻ em không được tiêm chủng. Tuyên bố khẳng định, nếu chúng ta nhanh chóng hành động để bảo vệ sức khỏe và cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, có thể giảm đáng kể tác động của cuộc khủng hoảng cận kề này. Trong tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO cảm ơn các nhà tài trợ đã phản hồi nhanh chóng với lời kêu gọi khẩn cấp, đồng thời khẳng định tiếp tục đánh giá quy mô của cuộc khủng hoảng và sẽ sớm đưa ra lời kêu gọi sửa đổi. Bên cạnh đó, ông kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục hưởng ứng một cách hào phóng để cùng nhau cứu sống và ngăn chặn nhiều đau khổ thêm nữa cho người dân quốc gia Pakistan.
Tính tới nay, Pakistan đã tiếp nhận 111 chuyến bay từ các quốc gia hữu nghị và các tổ chức quốc tế chở hàng cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt.