Kể từ khi ký kết thỏa thuận liên doanh với AvtoVAZ, hãng chế tạo ô tô lớn nhất ở Nga với thương hiệu xe Lada nổi tiếng, năm 2008, Renault đã đầu tư hàng tỷ euro cho nhà máy sản xuất tại Nga. Nhờ AvtoVAZ, năm 2021, Nga trở thành thị trường lớn thứ hai của Renault sau Liên minh châu Âu (EU), với doanh số bán ra tại "xứ Bạch Dương" vào khoảng 500.000 ô tô. Trước khi ký thỏa thuận bàn giao tài sản, Renault nắm giữ 68% cổ phần của AvtoVAZ. Khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua và bị các nước phương Tây trừng phạt, Renault cũng chịu sức ép rút khỏi thị trường nước này.
Trong thông báo mới nhất, Bộ Công nghiệp và thương mại Nga cho biết hai bên đã ký kết thỏa thuận bàn giao các tài sản của Renault tại Nga cho chính phủ liên bang và chính quyền thủ đô Moskva. Theo thỏa thuận, Renault có quyền chọn mua lại cổ phần ở AvtoVAZ trong vòng 6 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận. Thỏa thuận bao gồm cả nhà máy của Renault ở Moskva. Dù thông tin tài chính của thỏa thuận không được công bố nhưng tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại Nga Denis Manturov cho biết Renault có ý định bán các tài sản tại Nga với giá tượng trưng 1 ruble.
Trong khi đó, thông báo của Giám đốc điều hành (CEO) Renault Luca de Meo nêu rõ đây là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết, một lựa chọn có trách nhiệm với 45.000 nhân viên tại Nga. CEO này cũng xác nhận Renault vẫn bảo lưu quyền trở lại thị trường Nga trong tương lai.
Trong khi đó, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết Reanault đã quyết định đóng cửa nhà máy ở thủ đô. Ông khẳng định sẽ không để hàng nghìn công nhân nhà máy rơi vào cảnh thất nghiệp và quyết định nối lại hoạt động chế tạo các loại xe chở khách dưới nhãn hiệu Moskvich nổi tiếng thời Xô Viết. Ông khẳng định trong năm 2022, Nga sẽ mở trang mới trong lịch sử dòng xe Moskvich.
Đây là thỏa thuận quốc hữu hóa tài sản doanh nghiệp lớn nước ngoài đầu tiên tại Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Giới chức Nga khẳng định sẵn sàng các bước để quốc hữu hóa các tài sản nước ngoài tại nước này, người dân trong nước sẽ được cung cấp những sản phẩm thay thế cho những nhãn hiệu nước ngoài mà họ yêu thích trước đây. Moskva cũng khẳng định sẽ thích ứng tốt và thực hiện các bước nhằm khắc phục tình trạng thoái vốn nước ngoài và khan hiếm ngoại tệ do ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt của phương Tây.