Nga đạt bước tiến trên thực địa trước thềm cuộc đàm phán lịch sử với Ukraine

Trong tuần qua, lực lượng Nga đã tiến quân chậm rãi ở phía đông Ukraine, trong bối cảnh hai bên chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2022.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo bọc thép 2000 trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nga đạt bước tiến nhỏ về lãnh thổ

Trang Al Jazeera dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/5 cho biết quân đội nước này đã kiểm soát khu định cư Kotlyarivka, nằm ở phía tây nam vùng giao tranh Pokrovsk. Việc giành quyền kiểm soát khu vực này đã đưa lực lượng Nga tiến gần đến ranh giới giữa hai vùng Donetsk và Dnipropetrovsk, chỉ còn cách khoảng 3,7 km.

Ngoài ra, quân đội Nga cũng tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn làng Myrolyubivka, nằm ở phía đông Pokrovsk. Đến ngày 14/5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng của họ đã kiểm soát cộng đồng Mykhailovka ở khu vực Donetsk.

Dù đây chỉ là những bước tiến nhỏ, song điều này đã phản ánh rõ nét nỗ lực của Nga trong việc giành quyền kiểm soát toàn bộ Donetsk cùng các vùng lãnh thổ khác mà họ đang kiểm soát một phần – khi tiến trình đàm phán hòa bình đang được xúc tiến.

Theo báo cáo của tình báo quân sự Ukraine, được tờ Financial Times (Anh) trích dẫn, Nga đang triển khai lực lượng nhằm chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô lớn mới. Moskva chưa phản hồi về thông tin này.

Triển vọng đàm phán

Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày. Hai ngày sau, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các nhà lãnh đạo Ba Lan, Đức, Pháp và Anh đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến này.

Tuy nhiên, phía Điện Kremlin cho rằng Nga sẽ xem xét đề xuất, đồng thời từ chối gắn điều kiện ngừng bắn vào khuôn khổ đàm phán, cáo buộc Ukraine từng vi phạm lệnh ngừng bắn do Nga đơn phương đưa ra trước đó.

Tổng thống Vladimir Putin, tại một cuộc họp báo diễn ra rạng sáng 11/5, đã tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán không kèm điều kiện tiên quyết. Ông cũng để ngỏ khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới trong quá trình đối thoại.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng đến Istanbul tham gia đàm phán nếu ông Putin cũng có mặt. Nga khẳng định sẽ cử đại diện “ở cấp phù hợp”. Tuy nhiên, ông Putin sau đó không xuất hiện trong danh sách đoàn đại biểu chính thức.

Tổng thống Trump, đang có chuyến công du Trung Đông, tuyên bố rằng chính ông là người đã thúc đẩy các cuộc đàm phán lần này: “Tôi nhấn mạnh rằng cuộc họp này cần phải diễn ra – và giờ nó đang diễn ra”.

Phía Mỹ cũng cử các đại diện đặc biệt tới Istanbul, gồm ông Keith Kellogg - đặc phái viên về Ukraine, ông Steve Witkoff - đặc phái viên về Trung Đông, cùng Ngoại trưởng Marco Rubio. Ông Trump không loại trừ khả năng sẽ trực tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16/5 nếu tình hình cho phép.

Chú thích ảnh
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak (giữa) và Ngoại trưởng Andrii Sybiha (trái) tham gia phái đoàn đàm phán với đại diện Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine, tại Jeddah, Saudi Arabia, ngày 11/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine dự kiến được tổ chức tại Istanbul và do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chủ trì.

Một nguồn tin Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5 cho biết phái đoàn Nga đang có mặt tại Istanbul, một số quan chức Mỹ cũng đang có mặt ở đây. Theo kế hoạch, Tổng thống Zelensky sẽ gặp Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan tại Ankara.

Theo đài RT (Nga), đặc phái viên đầu tư của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kirill Dmitriev, đã hoan nghênh Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cộng sự đã “biến điều tưởng như không thể thành có thể” bằng cách đưa Nga và Ukraine đến gần hơn với các cuộc đàm phán trực tiếp, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2022.

Ông Dmitriev đã ca ngợi nỗ lực của Washington trong việc hòa giải, trước thềm vòng đàm phán. Trên mạng xã hội X, ông mô tả cuộc gặp này là “một bước tiến lịch sử hướng tới hòa bình”, bất chấp nhiều khó khăn và sức ép từ nhiều phía. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng mọi nỗ lực có thể bị “trật bánh vào phút chót”.

Ông Dmitriev đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance, đặc phái viên Steve Witkoff và Ngoại trưởng Rubio – những nhân vật chủ chốt trong nhóm của ông Trump – là các nhân tố then chốt trong tiến trình hòa giải này.

Tổng Thư ký NATO, ông Mark Rutte, cũng nhận định với hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ): “Chúng ta đang có một cơ hội trong tuần này và hai tuần tới để đưa vấn đề Ukraine lên một tầm cao mang tính xây dựng hơn”.

Cơ hội hoà bình còn mong manh

Chú thích ảnh
Đặc phái viên Nga Kirill Dmitriev (trái) và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tại St. Petersburg, Nga, ngày 11/4/2025. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, tại thời điểm này, vẫn chưa có gì đảm bảo rằng vòng đàm phán mới sẽ được khởi động đúng theo kế hoạch. Tổng thống Zelensky, người đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Erdogan, cho biết Chính phủ Ukraine vẫn đang cân nhắc cách thức tiến hành đàm phán.

Ông Zelensky trước đó từng tuyên bố rằng ông chỉ sẵn sàng đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp lại đề xuất từ phía Nga, với điều kiện Tổng thống Putin cũng phải có mặt để thể hiện sự nghiêm túc. Bên cạnh đó, ông cùng các lãnh đạo châu Âu thuộc NATO đã lên tiếng cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Moskva không chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày – một yêu cầu mà giới chức Nga gọi là “chiến thuật trì hoãn”, nhằm tạo điều kiện để Ukraine tái tổ chức lực lượng.

Thời hạn ban đầu để thực hiện lệnh ngừng bắn – dự kiến là vào ngày 12/5 – đã bị lùi lại đến cuối tuần, tùy thuộc vào kết quả của các cuộc gặp sắp tới.

Trong khi Moskva khẳng định họ sẽ theo đuổi một lộ trình hòa bình lâu dài tại Istanbul, với trọng tâm là giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, thì phía Kiev vẫn chưa công khai rõ ràng về mục tiêu của họ.

Một số nguồn tin truyền thông cho biết đoàn đại biểu Ukraine có thể sẽ tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn trước tiên. Trước đây, Ukraine từng khẳng định rằng không thể tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào nếu chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Ngoại trưởng Mỹ kỳ vọng vào tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ kỳ vọng vào tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định Tổng thống Donald Trump sẵn sàng ủng hộ bất kỳ cơ chế nào có thể dẫn tới hòa bình giữa Nga và Ukraine, cho thấy tín hiệu tích cực từ phía Washington đối với triển vọng đàm phán sắp tới giữa hai quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN