Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Armenia Zohrab Mnatsakanyan tại thủ đô Yerevan, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh ý đồ trên của Mỹ chỉ gây thêm rắc rối và cản trở một giải pháp chính trị cần thiết ở Syria. Ông khẳng định các mỏ và cơ sở dầu ở Syria hoàn toàn thuộc về quốc gia Arab này.
Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh Chính phủ Syria cần mở rộng quyền kiểm soát trên toàn đất nước, kể cả các mỏ dầu, càng sớm càng tốt, loại bỏ hoàn toàn khủng bố và đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở nước này.
Ngay 6/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực Đông Bắc Syria, động thái mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tấn công lực lượng người Kurd (Cuốc) ở khu vực này. Tuy nhiên, sau đó ông Trump cho biết một số ít binh sĩ Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria để ngăn chặn các phần tử khủng bố thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tiếp cận các mỏ dầu.
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn nguồn truyền thông khu vực ngày 11/11 đưa tin Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho biết có thể khoảng 500 hoặc 600 binh sĩ được duy trì tại Syria. Mặc dù không nêu cụ thể sứ mệnh trong tương lai của các binh sĩ Mỹ ở Syria hay thời điểm cụ thể rút quân, nhưng Tướng Milley nhấn mạnh cần duy trì sức ép để ngăn IS trỗi dậy trở lại.
Trong 2 tuần qua, khoảng 500 binh sĩ cùng các phương tiện và thiết bị quân sự được cho là đã tiến vào các căn cứ ở miền Bắc Syria sau khi đã rút khỏi khu vực này chỉ vài tuần trước đó. Quân đội Mỹ hiện diện tại một số căn cứ và địa điểm đóng quân ở tỉnh Deir-al-zor nhiều dầu mỏ của Syria sau khi đánh bật các tay súng IS ra khỏi đây.