Nét đẹp văn hóa trong nghi lễ Phật giáo truyền thống của người dân Lào 

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, từ đầu giờ sáng 10/7, tất các ngôi chùa của Lào trên khắp cả nước đã đồng loạt tổ chức Lễ Khao Phansa, có nghĩa là Lễ An cư kiết hạ hay Lễ Vào mùa, khởi đầu cho 3 tháng an cư tu tập của giới tăng ni và Phật tử. Đây là một trong những nghi lễ Phật giáo quan trọng nhất trong năm, thu hút đông đảo tăng, ni và Phật tử đến tham dự, cầu nguyện và dâng cúng phẩm vật với mong muốn tích phúc, tu thân và giữ gìn những giá trị tinh thần tốt đẹp.

Chú thích ảnh
Nghi thức cúng dường trong Lễ Khao Phansa truyền thống của Lào. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào

Tại chùa Simeuang ở thủ đô Viêng Chăn, một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Lào, nghi lễ được tổ chức trang nghiêm từ sáng sớm. Trong tiếng tụng kinh, người dân thành kính dâng hoa, nến và vật phẩm lên chư tăng, mở đầu cho mùa an cư kiết hạ, thời điểm các nhà sư dành trọn 3 tháng để tịnh tu, học kinh, trau dồi đạo hạnh.

Sư thầy Phongsavath Matmanivong, chùa Simueng, cho biết Lễ Khao Phansa là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của Lào, diễn ra vào mùa mưa hằng năm. Trong dịp này, rất nhiều người dân đến chùa để làm phước, dâng nến, tượng Phật và thực hiện nghi thức gọi là “Phật tắm nước mưa”.

Theo sư thầy Phongsavath, đây cũng là thời gian các nhà sư bắt đầu kỳ an cư kiết hạ, không ra khỏi chùa và phải lưu lại tu học, sinh hoạt trong chùa suốt 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11 (theo Phật lịch của Lào). Truyền thống này bắt nguồn từ thời Đức Phật còn tại thế. Khi Phật và chư Tăng đi hoằng pháp trong mùa mưa, họ có thể vô tình giẫm lên ruộng lúa non, thảm cỏ hoặc côn trùng, gây ảnh hưởng đến sinh kế người dân và vô tình làm bị thương hoặc giết hại nhiều sinh vật. Vì vậy, Đức Phật đã quy định vào mùa mưa, chư Tăng không được đi ra ngoài, phải an cư tại chùa để tu tập. Từ đó, tập tục này được duy trì và trở thành nét đẹp văn hóa của người Lào cho đến ngày nay.

Sư thầy Phongsavath cho biết thêm, Lễ Khao Phansa phản ánh đức tin, tín ngưỡng của người dân Lào, tin rằng đây là dịp để họ làm phước, đồng thời là cơ hội giáo dục con cháu về truyền thống cúng dường, giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh. Trong thời gian này, phần lớn người Lào ngừng uống rượu, bia, không hút thuốc và không đi chơi đêm. Các bậc ông bà cha mẹ cũng tranh thủ dịp này để dạy dỗ con cháu, dẫn con cháu đến chùa lễ Phật, tụng kinh cùng các nhà sư.

Chú thích ảnh
Một gia đình đưa cháu đến thực hiện nghi lễ dâng cúng phẩm vật, cầu siêu cho ông bà tổ tiên và người thân, họ hàng tại Lễ Khao Phansa. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào

Nhiều gia đình còn gửi con, cháu vào chùa trong dịp này để các em có ý thức sống kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc và kiêng cữ những điều không tốt. Nếu con người sống buông thả, không có khuôn khổ, không biết giữ gìn bản thân thì dễ dẫn đến những hậu quả xấu, trước hết là thiệt hại tài sản, tiếp đến là tổn hại sức khỏe và nghiêm trọng hơn còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc kiêng cữ, tự giữ mình suốt 3 tháng Phansa chính là cách để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.

Có mặt cùng với người thân của mình từ sáng, chị Piya Phonsena, người dân thủ đô Viêng Chăn, cho biết từ nhỏ chị đã được bố mẹ dẫn đến chùa. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa Khao Phansa là chị đều đến chùa để dâng cúng phẩm vật, cầu siêu cho ông bà, bố mẹ, họ hàng và những người thân đã khuất. Tại đây, khi được nghe các điều răn dạy của nhà chùa, chị luôn cảm thấy ấm lòng, thanh thản và có niềm tin vào cuộc sống trong tương lai.

Chị Piya cho rằng đây là một nghi lễ truyền thống tốt đẹp của Lào và chị muốn dạy cho con cháu, các thế hệ sau của mình biết gìn giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và cần phải tôn trọng Phật giáo, kính trọng người già, người cao tuổi, đúng như lời của Đức Phật và của ông bà, bố mẹ chị đã dạy và truyền lại.

Chú thích ảnh
Giảng kinh, răn dạy đạo đức của nhà chùa trong Lễ Khao Phansa truyền thống của Lào. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào

Từ một nghi lễ vốn dành cho giới tăng, ni, Lễ Khao Phansa ngày nay đã trở thành một phần của đời sống tinh thần toàn xã hội Lào. Nhiều người tự nguyện tuân theo các điều răn của nhà Phật không chỉ vì tín ngưỡng, mà còn như một cách để sống tốt hơn, thiện lành hơn. Qua đó, lễ hội không chỉ thể hiện đức tin sâu sắc của người dân Lào đối với Phật giáo, mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, lan tỏa tinh thần chân-thiện-mỹ trong đời sống thường nhật.

Lào là một đất nước với hơn 90% dân số theo đạo Phật, do vậy, Phật giáo không chỉ là tôn giáo bình thường, mà còn là phần cốt lõi trong đời sống văn hóa-tinh thần của người dân Lào. Lễ Khao Phansa là một minh chứng sinh động cho sự gắn bó giữa Phật giáo với xã hội Lào, góp phần làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của xứ sở Triệu Voi trong lòng khu vực Đông Nam Á. 

Xuân Tú – Bá Thành (TTXVN)
Phát huy vai trò của Phật giáo trong giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát huy vai trò của Phật giáo trong giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày 8/7, Đoàn công tác Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồ Hải dẫn đầu đã đến thăm Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh sau sáp nhập 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; cùng đi có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN