Với sự tham gia của 26 quốc gia, những dự án này được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng phối hợp và tương tác giữa các lực lượng NATO trong các lĩnh vực then chốt.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, quyền Phó Tổng thư ký NATO, ông Boris Ruge nhấn mạnh đây là khởi đầu quan trọng cho những dự án mang tính đột phá, đồng thời thể hiện quyết tâm của Liên minh quân sự này trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Sáng kiến đầu tiên hướng đến việc phát triển thế hệ máy bay điều khiển từ xa mới RPAS, như Hệ thống do thám mặt đất (AGS) của NATO. Dự án có sự tham gia của 13 nước, bao gồm Séc, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Italy, và Vương quốc Anh. RPAS là công nghệ quan trọng trong các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát và chiến tranh điện tử, giúp NATO gia tăng sức mạnh quân sự.
Sáng kiến thứ hai tập trung vào việc tăng khả năng tương tác và hoán đổi giữa các loại đạn pháo của NATO. Với 15 quốc gia tham gia, dự án này sẽ chuẩn hóa các cơ chế chứng nhận, thử nghiệm đạn pháo, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế, giúp tăng hiệu quả trong các hoạt động quân sự chung.
Đáp ứng nhu cầu đào tạo ảo, sáng kiến này tạo ra mạng lưới đào tạo đa quốc gia cho quân đội. Với sự tham gia của 18 quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, và Bỉ, dự án sử dụng công nghệ mô phỏng tiên tiến nhằm tối ưu hóa công tác huấn luyện và giảm chi phí hoạt động.
Hai dự án mới của NATO tập trung vào công nghệ vũ trụ. Dự án NORTHLINK với 13 quốc gia tham gia sẽ phát triển năng lực truyền thông vệ tinh ở Bắc Cực, đảm bảo khả năng liên lạc bền vững. Trong khi đó, STARLIFT với sự tham gia của 14 quốc gia nhằm tăng cường khả năng sử dụng không gian để hỗ trợ các nhiệm vụ quân sự của NATO trong tình huống khẩn cấp.
NATO cũng tiếp tục thúc đẩy hai sáng kiến hiện có. Sáng kiến về trực thăng thế hệ tiếp theo (NGRC) được khởi động từ năm 2020 nhằm phát triển các trực thăng đa nhiệm thế hệ mới. Năm quốc gia tham gia, bao gồm Pháp, Đức và Anh, đã cam kết hoàn thiện giải pháp thay thế cho các máy bay trực thăng cũ vào năm 2035. Dự án Hợp tác không phận xuyên biên giới đã mở rộng lên 20 quốc gia thành viên, nhắm đến việc thúc đẩy hợp tác dân sự-quân sự trong việc sử dụng không phận cho các hoạt động quân sự.