Nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu những tuần qua đã gây ra các vụ cháy rừng và khiến hàng nghìn người thiệt mạng, song ảnh hưởng của nó không chỉ ở phạm vi đất liền. Đợt nắng nóng cùng với sự dịch chuyển của các dòng hải lưu, kết hợp với sự ổn định của bề mặt biển đã khiến nhiệt độ vùng biển ven bờ Địa Trung Hải tăng thêm vài độ C so với nhiệt độ trung bình cùng thời điểm hàng năm là 24-26 độ C.
Ngày 29/7, Cơ quan thời tiết AMET của Tây Ban Nha cho biết nhiệt độ nước biển trong khu vực giữa quần đảo Balearic của nước này với bờ biển của Italy đã tăng thêm khoảng 5 độ C so với thời điểm này năm ngoái. Cơ quan trên cũng cảnh báo nhiệt độ nước biển quanh bờ biển Tây Ban Nha sẽ tăng thêm từ 3-4 độ C cho đến ít nhất giữa tháng 8 tới.
Trong một thông báo, Cơ quan quản lý cảng của Tây Ban Nha ghi nhận nước biển ở Cabo de Gata – mũi đất nằm ở phía Nam bán đảo Iberia - đã tăng lên gần tới 28 độ C vào ngày 25/7, mức nhiệt cao kỷ lục trong 10 năm qua.
Nắng nóng ngoài biển, hình thái thời tiết ít được giới nghiên cứu quan tâm hơn so với nắng nóng trên đất liền, đang diễn ra ngày càng thường xuyên do biến đổi khí hậu, làm gia tăng áp lực lên hệ sinh thái trên biển vốn đang phải hứng chịu tình trạng đánh bắt quá mức và ô nhiễm do rác thải nhựa.
Theo nhà khoa học đại dương Jean-Pierre Gattuso, nhiệt độ nước biển gần thành phố duyên hải Nice của Pháp trong ngày 25/7 được ghi nhận ở mức 29,2 độ C, cao hơn khoảng 3,5 độ C so với cùng thời điểm năm ngoái và là mức cao kỷ lục kể từ năm 1994.
Trong nghiên cứu mới đây do Viện Khoa học hải dương của Tây Ban Nha công bố, các đợt nắng nóng trên biển đã gây ảnh hưởng đến biển Địa Trung Hải trong giai đoạn từ năm 2015-2019, dẫn đến cái chết hàng loạt của các loài sinh vật biển.
Nhà khoa học Jean-Pierre Gattuso nhận định đợt nắng nóng năm nay còn tồi tệ hơn do kéo dài và với cường độ lớn. Ông dự báo tình trạng chết hàng loạt các sinh vật biển có thể sẽ xảy ra vào cuối tháng 8 tới.