Nắng nóng bất thường tại Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 27/4 đã cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng trong bối cảnh thời tiết nắng nóng đến với nước này sớm hơn đáng kể so với những năm trước đây.

Chú thích ảnh
Nắng nóng tại Amritsar, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổ chức trong tiết trời nắng nóng ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh: "Nhiệt độ đang gia tăng nhanh chóng và sự tăng nhiệt này xảy đến sớm hơn nhiều so với thường lệ. Trong tình hình thời tiết như thế này, chúng ta thấy những ngày gần đây đã phát sinh những sự cố hỏa hoạn ở nhiều địa điểm khác nhau, như trong rừng, tại các tòa nhà quan trọng và trong bệnh viện". 

Thủ tướng Modi yêu cầu chính quyền các bang tại Ấn Độ ưu tiên kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các bệnh viện. Số liệu thống kê cho thấy mỗi năm Ấn Độ có hàng chục người thiệt mạng trong các vụ cháy xảy ra tại bệnh viện và nhà máy ở Ấn Độ, chủ yếu là những công trình xây dựng trái phép hoặc không tuân thủ nghiêm những quy định về độ an toàn.

Những đám cháy tại các bãi rác ở thủ đô New Delhi cũng góp phần làm nên bầu không khí độc hại tại quốc gia ô nhiễm nhất thế giới này.

Thủ tướng Modi đưa ra những cảnh báo trên trong bối cảnh các nhân viên cứu hỏa đang phải vật lộn để dập tắt đám cháy ở bãi rác Bhalswa - ở Tây Bắc của thành phố. Khói từ đám cháy đã buộc một trường học gần đó phải đóng cửa trong ngày 26/4. Nguyên nhân của vụ cháy bãi rác này đang được điều tra làm rõ, mặc dù những sự cố như vậy khá phổ biến trong thời kỳ mùa Hè nóng bức của Ấn Độ, khi nhiệt độ thường xuyên vượt quá 40 độ C.

Nền nhiệt trung bình của thủ đô New Delhi đã chạm mức hơn 40 độ C trong vài ngày qua. Mặc dù vậy giai đoạn nắng nóng cao điểm của mùa Hè vẫn chưa tới. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ dự báo tiết trời nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra tại các khu vực miền Đông, miền Trung và Tây Bắc nước này - bao gồm cả thủ đô New Delhi - trong 5 ngày tới.

Thanh Phương (TTXVN)
Nắng nóng 'bốc hơi' 677 tỷ giờ làm việc mỗi năm trên toàn thế giới
Nắng nóng 'bốc hơi' 677 tỷ giờ làm việc mỗi năm trên toàn thế giới

Xu hướng ấm lên toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động và sự gia tăng nhiệt độ đang ngày càng đè nặng lên các hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN