Năng lượng tái tạo - Bài 7: Cuộc cách mạng trên toàn nước Mỹ

Mỹ là quốc gia luôn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như khí tự nhiên, dầu và than đá để sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, xu hướng này hiện đang thay đổi nhanh chóng khi Mỹ đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển năng lượng sạch đến năm 2050. 

Chú thích ảnh
Một dự án năng lượng mặt trời của Mỹ. Ảnh: climatechangenews.com

Nghiên cứu "Triển vọng năng lượng tái tạo" do Cơ quan Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tiến hành cho thấy Mỹ là một trong những nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đi tiên phong trong lĩnh vực này, có thể sản xuất điện năng phần lớn từ năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Nghiên cứu nói trên cho rằng Mỹ có thể sản xuất ra 80% điện năng từ năng lượng tái tạo bằng công nghệ hiện có, bao gồm turbine gió, điện quang mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện. Nghiên cứu cũng dự báo khả quan về triển vọng phát triển năng lượng tái tạo nhằm cung ứng điện năng trên cả nước vào mọi thời điểm trong năm và hiện Mỹ có nhiều hướng đi để đạt được mục tiêu này.

Hiện nay, cuộc cách mạng năng lượng sạch đang diễn ra trên khắp nước Mỹ với nhiều sáng kiến ở cấp tiểu bang được ghi nhận, tạo nên bước phát triển vững chắc cho ngành năng lượng sạch của Mỹ. Ngành năng lượng sạch này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong những năm tới, không chỉ góp phần giúp Mỹ củng cố và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn tác động tích cực tới nền kinh tế Mỹ. Washington có nhiều thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu công nghệ năng lượng sạch sang các nước trên thế giới. Những công nghệ này bao gồm năng lượng mặt trời, gió, nước, địa nhiệt, sinh học và hạt nhân.

Năng lượng tái tạo đem lại những lợi ích thực chất đối với khí hậu, sức khỏe và nền kinh tế. Nó giúp giảm dần sự phát thải khí CO2 và SO2 trên toàn cầu, cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo việc làm và mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác. Bên cạnh đó, loại năng lượng này có thể giúp giảm thiểu nhu cầu về nước dùng để sản xuất điện so với các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, mức phát thải khí CO2 từ lĩnh vực điện năng sẽ giảm 80%, và việc sử dụng nước sẽ giảm tới 50%. Nghiên cứu của NREL làm sáng tỏ rằng mục tiêu nói trên là khả thi và sẽ góp phần hạ giá điện.

Để thực hiện, Mỹ đã đề ra chính sách năng lượng sạch lâu dài nhằm tạo ra một thị trường bền vững cho năng lượng tái tạo, khuyến khích và hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra nhiều biện pháp kịp thời như nỗ lực cải thiện lưới điện bằng cách tăng cường hạ tầng cơ sở truyền dẫn để tích hợp được một lượng lớn năng lượng tái tạo, kết hợp với kế hoạch hóa phát triển lưới điện tiên tiến hơn để duy trì tính tin cậy và bền vững của loại năng lượng này.

Trong đó, năng lượng mặt trời được chú trọng bởi đó là thành phần chủ yếu trong hệ thống năng lượng tái tạo của Mỹ. Trong những năm qua, chi phí cho hệ thống sản xuất điện mặt trời đã giảm đáng kể, góp phần mang lại cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ cơ hội tiếp cận với năng lượng sạch và giá thành phải chăng. Thông qua hạng mục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Bộ Năng lượng Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường năng lượng mặt trời trên cơ sở hài hòa, bền vững, phát triển sản xuất điện đi đôi với cơ sở hạ tầng kèm theo, như mạng lưới truyền tải hay tích trữ điện.                                                                  

Bộ Năng lượng Mỹ sẽ tiếp tục định hướng chiến lược đầu tư nhằm chuyển đổi sang sản xuất năng lượng an toàn và sạch hơn. Đến nay, việc sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo không ngừng gia tăng, các thống đốc bang tại Mỹ đang thúc đẩy phát triển công nghệ năng lượng sạch. Trong năm 2017, khoảng 10% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ từ nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng sinh học, địa nhiệt, thủy điện, năng lượng mặt trời và gió, và khoảng 17% mức tiêu thụ điện từ các nguồn tái tạo. Sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tại Mỹ mở đường cho khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển năng lượng bền vững và sạch hơn.  

Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cũng đi đôi với bài toán bảo vệ môi trường, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) mới đây đã công bố Quy định về năng lượng sạch giá cả phải chăng (ACE) nhằm mục tiêu giảm phát thải khí CO2, đổng thời cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cùng với chi phí hợp lý cho người dân Mỹ. Quy định này sẽ giúp Mỹ giảm thiểu phát thải khí CO2, SO2 và thủy ngân cũng như các tiền chất gây ô nhiễm môi trường. Đến năm 2030, mục tiêu của ACE làm giảm phát thải 11 triệu tấn khí CO2 và 5.700 tấn khí SO2. EPA nhận định ACE sẽ tạo ra lợi nhuận ròng hằng năm từ 120-730 triệu USD, bao gồm chi phí, lợi ích về khí hậu và sức khỏe.

Phạm Ngọc Ánh (Pv TTXVN tại Mỹ)
Năng lượng tái tạo - Bài 6: Nhật Bản - Muộn còn hơn không
Năng lượng tái tạo - Bài 6: Nhật Bản - Muộn còn hơn không

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung điện năng lên từ 22-24% vào năm 2030 nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào điện hạt nhân và hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN