Reshma Begum, cô gái 19 tuổi được cả thế giới biết đến vì đã sống sót thần kỳ sau khi bị kẹt 17 ngày dưới đống đổ nát tòa nhà Rana Plaza ở Dhaka, Bangladesh, nơi hơn 1.000 người thiệt mạng. Nhưng điều kỳ diệu này có thể không còn diệu kỳ nữa theo tiết lộ mới đây từ cựu đồng nghiệp của cô Begum.
Hình ảnh Reshma Begum được đưa ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: Internet. |
Người đồng nghiệp giấu tên cho biết: “Chúng tôi đã ra khỏi đống đổ nát ngay trong ngày hôm đó (hôm 24/4, tòa nhà Rana Plaza đổ sập). Sau đó tôi và Begum đã ở bệnh viện trong 2 ngày rồi cô ấy biến mất. Đến ngày 10/5 thì tôi nhìn thấy cô ấy trên tivi, họ gọi đó là phép màu nhưng thực ra đó là giả mạo”.
Theo tờ Mirror của Anh, bà chủ nhà nơi Begum thuê trọ cho biết cô ấy đã được chữa trị ngay tại bệnh viện có tên Enam trong ngày tòa nhà sập.
Sự kiện Begum sống sót đã tạo nên chú ý lớn của phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Ảnh: Internet. |
Những hoài nghi đã được đưa ra, một ngày trước khi Begum được giải cứu, người dân sống trong khu vực gần hiện trường vụ tai nạn bị sơ tán mà không có lý do. Đến ngày hôm sau họ lại được phép quay trở về nhà. Thậm chí việc cấm báo chí quay phim trong 24 giờ cũng được đưa ra trước ngày cô gái được giải cứu.
Begum bắt đầu hồi phục tại bệnh viện Savar Cantonment hôm 13/5. Ảnh: Internet. |
Thêm vào đó, từ những hình ảnh giải cứu, có thể thấy bộ trang phục và chiếc khăn choàng sáng màu Begum mặc có vẻ còn sạch sẽ so với việc nằm 17 ngày dưới đống đổ nát, trên khuôn mặt Begum cũng chỉ có vài vệt bụi trắng.
Đặc biệt là đôi mắt cô gái vẫn mở to không có vẻ khó chịu vì ánh sáng sau khi được kéo khỏi nơi gọi là “hầm mộ không ánh sáng”. Thông tin đưa ra là Begum đã sống sót trong 17 ngày nhờ ít nước và 4 gói bánh quy, nhưng nhân chứng tại hiện trường cho biết cô gái này chưa từng được cứu chữa liên quan đến tình trạng mất nước.
Begum hôm 6/6, cô cho biết sẽ không làm việc trong ngành dệt may. Hiện Begum đã có công việc mới tại một khách sạn quốc tế ở Bangladesh. Ảnh: Internet. |
Những người hoài nghi trường hợp của Begum là trò lừa đưa ra giả thiết rằng chính chính phủ Bangladesh đã cố gắng để thu hút sự chú ý về việc mất an toàn lao động của công chúng nhờ vào sự sống sót kỳ diệu đó. Tuy nhiên trong một cuộc họp báo vào tuần trước, Begum đã kịch liệt phản đối nghi vấn trên.
Khi tờ Mirror đặt ra câu hỏi, người phát ngôn quân đội Bangladesh Nure Alam Siddique cho biết họ không đưa ra bất cứ bình luận gì.
H.Linh (
theo Mirror, Dailynews)