Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18), một sự kiện chính trị mang nhiều ý nghĩa trọng đại cũng như then chốt trong việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, xây dựng xã hội khá giả của nước này, sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới. Một trong những nội dung quan trọng sẽ được Đại hội 18 đưa ra bàn thảo để tìm cách giải quyết là tiến trình đô thị hóa cùng những thực trạng nan giải đang đặt ra hiện nay.
Đô thị hóa – bài toán hóc búa của Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã có tỷ lệ đô thị hóa ở mức 36,2% với khoảng 460 triệu dân thành thị. Cũng theo số liệu thống kê, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc tính đến cuối năm 2011 đã lên tới 51,3% với khoảng gần 700 triệu người dân đang sống ở các thành phố và thị trấn trên cả nước.
Chính phủ Trung Quốc theo đó đặt mục tiêu lần lượt đưa tỷ lệ đô thị hóa lên mức 59% vào năm 2020 và khoảng 66% vào năm 2030. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số dân đang sống ở các thành phố và thị trấn của Trung Quốc trong vòng 20 năm tới sẽ tăng thêm khoảng 300 triệu người.
Đô thị hóa nhanh chóng, cư dân thành thị tăng mạnh, nhưng điều này không phản ánh hết được những “góc khuất” cũng như thực trạng nan giải đang đặt ra cho bài toán mang tên đô thị hóa ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc Vụ viện Trung Quốc, Hàn Tuấn trong bài viết đăng trên Tạp chí "Liêu Vọng" ngày 8/10 cho biết, lượng người rời bỏ quê hương để đến làm thuê tại các thành phố và thị trấn của nước này tính đến cuối năm 2011 đã lên tới gần 160 triệu người.
Những người dân này mặc dù được xếp vào diện thường trú tại các thành phố và thị trấn, nhưng về thực chất họ khó lòng hội nhập cũng như được hưởng cuộc sống đúng nghĩa của cư dân thành thị trên nhiều phương diện như dịch vụ công cộng, bảo hiểm xã hội và nhà ở…
Theo nhà nghiên cứu Hàn Tuấn, một số vấn đề nan giải cũng như khó khăn đang đặt ra đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải giải quyết để đảm bảo đời sống cho các lao động làm thuê tại các thành phố và thị trấn trên cả nước, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chưa đảm bảo đủ điều kiện giáo dục cho con em của các lao động làm thuê. Kết quả điều tra xã hội cho thấy đại đa số con em của các lao động làm thuê tại thành phố của Trung Quốc ở bậc mầm non đều học ở các cơ sở có điều kiện giáo dục tương đối kém, 20% ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không vào được các trường công.
Thêm vào đó, Trung Quốc thực hiện chế độ đăng ký và thi đại học theo hộ khẩu gốc ở từng địa phương riêng biệt nên buộc lòng các em đến bậc trung học phổ thông hoặc trước khi thi đại học lại phải quay trở về quê cũ để tiếp tục con đường học tập.
Thứ hai, điều kiện khám và chữa bệnh rất khó khăn. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm cơ bản không cao, lao động làm thuê ở các thành phố của Trung Quốc hầu như không được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh đúng tiêu chuẩn tại những cơ sở y tế chính quy.
Trong khi đó, họ lại thường xuyên làm việc ở những vị trí nguy hiểm, tiếp xúc với nhiều nguồn dịch bệnh phức tạp trong điều kiện trang bị phòng hộ kém, nên tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao. Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây lao động làm thuê chiếm tới trên 80% tổng số bệnh nhân ở Trung Quốc.
Thứ ba, điều kiện về nhà ở không đảm bảo. Lao động làm thuê tại các thành phố và thị trấn của Trung Quốc hiện nay hầu như không mấy người thuộc diện được bảo hiểm về nhà ở. Thêm vào đó, những chính sách về cho vay hoặc hỗ trợ về tài chính đối với các lao động làm thuê của Trung Quốc vẫn còn thiếu hụt… Trong bối cảnh đó, phần lớn lao động làm thuê đều phải sống trong các tầng hầm, công xưởng hoặc nhà kém chất lượng.
Cùng quan điểm kể trên, học giả Đường Mẫn trong bài viết đăng trên mạng "Tin tức Trung Quốc" ngày 8/10 cho rằng, nếu tính theo những người có hộ khẩu gốc ở thành thị thì tỷ lệ đô thị hóa hiện nay của Trung Quốc mới chỉ đạt khoảng 35%. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều người, trong đó bao gồm cả gần 160 triệu lao động làm thuê kể trên, chưa thực sự được “đô thị hóa” để có được cuộc sống đảm bảo tương xứng.
Ttiến trình đô thị hóa đang tạo ra áp lực cũng như thách thức lớn cho chính phủ Trung Quốc. Để đưa tỷ lệ đô thị hóa từ 30% lên mức 60%, các nước Anh, Mỹ và Nhật Bản lần lượt phải mất tới 180 năm, 90 năm và 60 năm. Trong khi đó, Trung Quốc đặt mục tiêu thực hiện điều này trong vòng 30 năm từ năm 2001 - 2030.
Thời gian ngắn, tốc độ nhanh, trong khi nhiệm vụ lại nặng nề đang hối thúc Trung Quốc phải đề ra những chính sách đúng đắn và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Đường Mẫn còn cho rằng một số vấn đề khác như tài nguyên thiếu hụt, phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn xã hội… cũng đang gây ra những trở ngại lớn cho tiến trình đô thị hóa cũng như xây dựng xã hội khá giả của Trung Quốc.
Xuân Vịnh (P/v TTXVN tại Trung Quốc)