Người châu Á tôn thờ rồng như đại diện cho những thế lực sơ khai của tự nhiên, tôn giáo và vũ trụ. Rồng gắn với sự thông thái và trường tồn, có khả năng và sức mạnh siêu nhiên. Nghĩ đến con rồng, người ta thường liên tưởng tới rồng làm mưa, làm gió, có khả năng nhả ra các đám mây, dịch chuyển các mùa trong năm và kiểm soát nguồn nước của sông hồ và biển cả. Ở một số nước châu Á, rồng còn được cho là có khả năng nói tiếng người và đã dạy con người biết nói. Rồng cũng được xem là vua của loài có vảy, có tài biến hóa, làm tối được, làm sáng được, làm lớn được, làm nhỏ được, nhằm tiết xuân thì lên trời, nhằm tiết thu thì xuống biển hay xuống đất.
Với người Trung Quốc và các nước Á Đông, rồng là một trong tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng). Vì đứng đầu trong tứ linh nên rồng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của người dân Trung Quốc. Cuối năm 1987, tại huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, người ta khai quật được một con rồng bằng gốm có niên đại 6.000 năm. Điều này cho thấy, sự sùng bái rồng trong xã hội nguyên thủy chiếm địa vị trọng yếu trong tín ngưỡng linh vật hay vật tổ. Ngoài ra, rồng cũng liên quan mật thiết đến chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật, phong tục dân gian từ đời Hạ, đời Thương và ảnh hưởng này kéo dài mấy ngàn năm không suy giảm. Rồng luôn hiện hữu trong các truyện thần thoại Trung Quốc, trong các cổ vật, tranh vẽ, lời bói trên mai rùa xương thú khai quật được.
Ở Nhật Bản, một ông vua rồng được cho là đã sống trong một chiếc ao nhỏ ở Shinzen’en - khu vườn hoàng cung Kyoto, Nhật Bản. Khi hạn hán xảy ra, các nhà sư phải làm lễ cầu mưa tại đây để nhờ vua rồng hiện lên và mang mưa đến. Trong loạt phim hoạt hình Nhật Bản “Dragon Ball Z”, con rồng Shenlong còn có sức mạnh vô địch và có thể ban ơn cho mọi người.
Rồng được sùng bái hơn tất cả các con vật khác trong truyền thống văn hóa Á Đông và cũng là biểu tượng của hoàng đế cai trị. Các hoàng đế Trung Hoa được coi là “Rồng”. Tay của hoàng đế là móng vuốt của rồng, ngai vàng hoàng đế ngồi là chiếc ngai rồng. Giao hòa giữa thiên đường và trần gian, một vị hoàng đế thông minh cai trị trong sự hài hòa của vũ trụ, mang hòa bình và thịnh vượng cho muôn dân.
Người phương Tây: Rồng là quái vật
Trong truyện cổ tích Nga hay của một số dân tộc ở châu Âu, rồng thường được miêu tả như một loài bò sát có vảy, đuôi dài, có cánh để bay, có ba đầu và thổi ra lửa. Rồng có khả năng mọc thêm đầu mỗi khi có một đầu bị chặt mất. Có khi rồng chỉ có một đầu và có một cái mõm ngắn, quặp như mỏ đại bàng.
Theo những truyện cổ phương Tây, rồng thường được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu, lâu đài hay người đẹp, song thường tỏ ra là loài "hữu dũng vô mưu" vì thường chịu thua và thiệt mạng dưới tay một tráng sĩ. Rồng là loài quái vật, tượng trưng cho sức mạnh nhưng nghiêng về ý nghĩa độc ác, hung dữ. Nó có hình dáng của khủng long, có thêm sừng, cánh, vây lưng và có thể phun ra lửa hoặc nước… Da của nó rắn chắc, không loại vũ khí nào có thể sát thương được nhưng lại có điểm yếu nằm ở mắt và lưỡi, thường sống nơi hẻo lánh, con người ít đặt chân đến.
Rồng cơ bản có bốn loại, mang bốn sức mạnh của thiên nhiên, là bốn yếu tố tạo nên vũ trụ: Gió, Lửa, Đất và Nước. Từ bốn loại chính này mà người ta tưởng tượng ra nhiều loại rồng khác nhau: Rồng Đất sống trong những hang động sâu thẳm trong núi hoặc thung lũng; Rồng Nước sống ở bờ biển, dưới biển, đầm lầy; Rồng Lửa sống ở các hang động của núi lửa; Rồng Gió sống ở các vách đá, đỉnh núi cao.
Rồng trong tâm thức người Việt
Người Việt sống tại vùng sông nước nên từ thời xa xưa đã tôn sùng cá sấu như một con vật linh thiêng, vì chúng đại diện cho sự trù phú và sức mạnh (thời kỳ này vùng đất người Việt sống còn rất nhiều cá sấu). Họ đã thần thánh hóa loài cá sấu lên thành "Giao Long" mà người Trung Hoa gọi sau này, một cách thức tô điểm cho hình hài con cá sấu nhiều chi tiết tưởng tượng và cũng nhiều ý nghĩa hơn. Con rồng này tồn tại cùng tâm thức của người Việt trong suốt thời Văn Lang - Âu Lạc.
Trong cả thiên niên kỉ bị đô hộ bởi Trung Hoa, trong hoàn cảnh chung của chính sách Hán hóa, hình ảnh con rồng Việt Nam phát triển theo các xu hướng giống với con rồng của người Hán. Đến khi giành được độc lập, thời kỳ nhà Lý lên nắm quyền, đặt tên nước là Đại Việt, Việt Nam đã có con rồng của riêng mình và khác với con rồng Trung Quốc. Văn hóa Đại Việt nói chung, trong đó có mỹ thuật, đã khẳng định được đẳng cấp và sự độc lập trong nghệ thuật biểu hiện của mình. Xuất hiện từ việc trang trí kinh thành lộng lẫy, chùa chiền đồ sộ..., con rồng Việt Nam được tạo nặn từ chất liệu văn hóa dân tộc, kết hợp với yếu tố văn hóa Chăm Đông Nam Á và văn hóa Trung Hoa.
Con rồng Việt Nam là trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa hình rồng mang bản sắc riêng, theo trí tưởng tượng của người Việt. Rồng là con thằn lằn. Nó khác với rồng trong trang trí kiến trúc và hội họa của Trung Hoa và các quốc gia khác. Các di tích về con rồng Việt Nam còn lại khá ít do các biến động thời gian và sự Hán hóa của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, nhà Nguyễn.
Con rồng ở Việt Nam cũng khác nhau theo từng thời kỳ. Con rồng thời Lý thể hiện sự nhẹ nhàng, trong khi con rồng thời Trần thì mạnh mẽ hơn, thân hình to và khỏe khoắn, vì thời Trần 3 lần chống quân Nguyên - Mông.
Rồng Việt Nam luôn có một môtíp đặc trưng là: Thân rồng uốn hình sin 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa; trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn; đầu rồng có bờm dài, râu cằm, không sừng; mắt lồi to, hàm mở rộng, có răng nanh ngắt lên; đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn chứ không phải là mũi thú như rồng Trung Hoa; lưỡi mảnh, rất dài và miệng rồng luôn ngậm viên châu, thường được tạc vào đá như biểu tượng linh thiêng canh giữ chùa chiền, lâu đài.
Quang Tuyến (tổng hợp)