Năm thách thức lớn đối với ngành chế tạo của Trung Quốc

Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc đã phát triển vượt bậc. Theo số liệu mới nhất do Liên Hợp Quốc công bố, năm 2009, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc đã chiếm 15,6% của toàn thế giới, vượt qua Nhật Bản (15,4%) để chiếm lĩnh vị trí thứ hai sau Mỹ (19%). Hiện nay, ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc có tới hơn 100 chủng loại sản phẩm chiếm vị trí thứ nhất thế giới về tổng sản lượng. Ngành này cũng đã trở thành động lực thúc đẩy quan trọng cho sự tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc, đóng vai trò then chốt không thể thay thế trong việc mở rộng đầu tư, xúc tiến tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu.

Ảnh: Internet


Bài viết của Phó Giáo sư Lý Trường An, Học viện Quản lý Công cộng thuộc Đại học Kinh tế Đối ngoại đăng trên tờ "Thời báo Trùng Khánh” ngày 12/12 cho biết, tuy ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc đã đạt những thành quả rực rỡ, nhưng vẫn nổi lên 5 thách thức to lớn mà ngành này phải đối diện, và chúng lớn hơn rất nhiều so với cơ hội. Năm thách thức đó bao gồm:

Một là, ngành chế tạo Trung Quốc đang ở vị trí bất lợi trong chuỗi phân công sản xuất của thế giới. Cho đến nay, trình độ tổng thể của ngành chế tạo Trung Quốc vẫn nằm ở đoạn cuối của chuỗi sản xuất quốc tế, những doanh nghiệp có thể tự nắm quyền tự chủ về tri thức sản xuất vẫn chưa nhiều, điều này đã hạn chế rất lớn đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và mức độ thu lợi nhuận của ngành. Hiện nay, hiệu suất sản xuất lao động, giá trị gia tăng của ngành đều khá thấp, chỉ bằng khoảng 4,38% của Mỹ, 4,37% của Nhật và 5,56% của Đức. Ngành chế tạo Trung Quốc cũng tồn tại khoảng cách so với các nước phát triển về mặt chất lượng sản phẩm.

Hai là, áp lực về giá thành ngày một tăng lên, lợi nhuận ngày một hạ xuống. Kể từ khi gia nhập WTO, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế quốc dân và sự hoàn thiện không ngừng của chế độ bảo hiểm xã hội, mức lương của người lao động đã được nâng lên nhiều hơn. Cùng với đó, việc tăng giá đồng nhân dân tệ đã trở thành một trong những nhân tố gặm nhấm lợi nhuận của ngành. Dưới áp lực của các loại giá thành, một số doanh nghiệp rất dễ bị rơi vào cảnh lợi nhuận ít, thậm chí lỗ.

Ba là, tố chất đội ngũ ngành nghề là nhân tố hạt nhân quyết định năng lực cạnh tranh của ngành chế tạo, nhưng tố chất đội ngũ ngành nghề chế tạo Trung Quốc nói chung không cao, lại không ổn định. Kể từ thập kỷ 90 thế kỷ trước, công nhân - nông dân (lao động ngoại tỉnh) bắt đầu trở thành “quân chủ lực” của ngành sản xuất chế tạo. Đặc điểm lớn nhất của công nhân - nông dân là tính chuyên nghiệp không mạnh, tính lưu động quá lớn. Do nhân viên lưu động liên tục, ngành chế tạo của Trung Quốc khó lòng hình thành một đội ngũ ngành nghề cơ bản, ổn định.

Bốn là, doanh nghiệp tư nhân - lực lượng quan trọng trong ngành chế tạo Trung Quốc - tuy số lượng nhiều, nhưng quy mô lại nhỏ và năng lực cạnh tranh kém. Trong môi trường sinh tồn tiếp tục xấu đi, các doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ sẽ luôn là những người chịu thiệt lớn nhất của sóng gió kinh tế và chính sách thắt chặt.

Năm là, nguy cơ bị vốn đầu tư nước ngoài khống chế trong ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc ngày một tăng lên. Hiện đang có hơn 600.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong toàn ngành chế tạo của Trung Quốc, 500 tập đoàn lớn của thế giới đều có mặt ở Trung Quốc. Trong lĩnh vực công nghiệp, mức khống chế lớn nhất của vốn đầu tư nước ngoài chính là ngành chế tạo. Trong 10 năm tới, mức khống chế này sẽ cơ bản nằm ở mức 30% trở lên.

Tác giả bài viết cho rằng, để nhanh chóng thực hiện việc chuyển hóa thành cường quốc ngành chế tạo, phải xuất phát từ tình hình cụ thể trong nước để có thể lựa chọn con đường tối ưu, đưa ra chiến lược phát triển ngành chế tạo phù hợp với Trung Quốc.

Phan Thành Dương(P/v TTXVN tại Hồng Công) 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN