Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 23/6 cho biết nước này ghi nhận thêm 111 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở Nam Phi kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, tổng số ca tử vong tại Nam Phi tăng lên 2.102 ca. Số ca mắc tăng thêm 4.518 ca lên 106.108 ca.
Về công tác phòng chống dịch, ông Mkhize cho biết nhà chức trách Nam Phi đang tăng cường xét nghiệm cộng đồng, với 29.596 người được xét nghiệm trong 24 giờ qua. Tính đến hết ngày 23/6, trên 4.000 người nhập viện vì mắc COVID-19 và đang được điều trị ở nhiều mức độ khác nhau. Số giường bệnh để phục vụ bệnh nhân COVID-19 tăng lên hơn 27.000 giường, trong khi hơn 400 khu vực được lập làm nơi cách ly với sức chứa gần 38.000 giường trên cả nước. Theo ông Mkhize, Nam Phi hiện có 7.134 máy thở, trong đó 5.401 máy đang có sẵn tại các cơ sở y tế công và tư nhân.
Tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 1.332 ca mắc trong ngày 23/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 58.141 ca. Đây là số ca mắc trong ngày thấp nhất trong 5 ngày qua, sau khi Ai Cập ghi nhận con số cao kỷ lục 1.774 ca mắc trong ngày 19/6. Cũng trong ngày 23/6, Ai Cập thông báo số ca tử vong tăng thêm 87 ca lên 2.365 ca. Trong khi đó, thêm 402 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca bình phục lên 15.535 người.
Tại Algeria, tính đến chiều 23/6, nước này ghi nhận thêm 157 ca mắc và 9 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Bắc Phi này lên 12.077 ca, trong đó có 861 ca tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, người phát ngôn của Ủy ban theo dõi diễn biến dịch COVID-19 của Algeria, Djamel Fourar cho biết số người mắc COVID-19 được chữa khỏi là 8.674 người và số người tử vong từ 65 tuổi trở lên chiếm 66%.
Người phát ngôn trên kêu gọi người dân Algeria tăng cường cảnh giác và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc tôn trọng các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là đeo khẩu trang.
Algeria đang thực hiện giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp cách ly. Đa số các hoạt động kinh tế xã hội được nối lại kể từ ngày 14/6 vừa qua. Tuy nhiên, trong gần 2 tháng qua, quốc gia Bắc Phi này luôn ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức 3 con số mỗi ngày.
Theo số liệu thống kê mới nhất của trang worldometers.info, Algeria hiện xếp thứ 6 trong nhóm 10 quốc gia châu Phi có số ca nhiễm cao nhất châu lục và xếp thứ 3 về số người tử vong do COVID-19. Trong nhóm 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất châu Phi, đứng đầu là Nam Phi với 106.108 ca nhiễm và 2.102 ca tử vong, tiếp theo là Ai Cập 58.141 ca nhiễm và 2.365 ca tử vong, Nigeria 20.919 ca nhiễm và 525 ca tử vong, Ghana 14.568 ca nhiễm và 95 ca tử vong, Cameroon 12.270 ca nhiễm và 313 ca tử vong, Algeria 12.077 ca nhiễm và 861 ca tử vong, Maroc 10.334 ca nhiễm và 214 ca tử vong, Sudan 8.698 ca nhiễm và 533 ca tử vong, Côte d’Ivoire 7.677 ca nhiễm và 56 ca tử vong.
Tại Oman, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 1.318 ca mắc và 3 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Trung Đông này lên 32.394 ca, trong đó có 140 ca tử vong.
Tại Israel, Bộ Y tế thông báo đã ghi nhận thêm 430 ca mắc. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất ở Israel kể từ ngày 22/4, theo đó nâng tổng số ca mắc tại Israel lên 21.512 ca. Số ca tử vong tại nước này tăng thêm 1 ca lên 308 ca, trong khi số ca bệnh nặng giảm từ 44 ca xuống 40 ca. Số bệnh nhân bình phục tăng thêm 101 người lên 15.869 người.
Trước đó cùng ngày, nhà chức trách Israel đã quyết định tuyên bố thành phố Elad và một số khu vực ở thành phố Tiberias là những khu vực hạn chế ra vào do tỷ lệ lây nhiễm cao. Các cư dân tại những khu vực hạn chế này chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết.