Na Uy cân nhắc hạn chế xuất khẩu năng lượng: Cơn địa chấn với châu Âu

Na Uy – nhà cung cấp năng lượng lớn thứ ba của châu Âu – đang xem xét hạn chế xuất khẩu điện, đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của lục địa này.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt của Open Grid Europe (OGE), một trong những nhà điều hành hệ thống dẫn khí đốt lớn nhất châu Âu, tại Werne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang tin Oilprice.com ngày 11/2, sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo ở châu Âu đang tạo ra một hiệu ứng domino đầy bất ngờ. Thị trường năng lượng mất ổn định, giá cả tăng vọt ở Na Uy, và giờ đây, việc quốc gia Bắc Âu này cân nhắc hạn chế xuất khẩu năng lượng có thể gây ra một cú sốc lớn cho an ninh năng lượng của toàn châu lục.

Tình hình này bắt nguồn từ nỗ lực của châu Âu nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Tính đến năm 2020, châu Âu phụ thuộc vào Nga để đáp ứng tới 20% nhu cầu năng lượng của lục địa. Đặc biệt tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên và một phần ba lượng dầu tiêu thụ đến từ Nga.

"Năng lượng có vẻ rẻ, nhưng nó khiến chúng ta phải đối mặt với áp lực", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 1 vừa qua. Trong nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của Nga đồng thời đạt được các mục tiêu khí hậu, các nước EU đã đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, phá vỡ nhiều kỷ lục về triển khai năng lượng mặt trời và gió.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn năng lượng trên đang gây ra những thách thức mới. Theo Bloomberg, "lưới điện của Đức hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào thời tiết hơn bao giờ hết". Khi không có đủ nguồn điện cơ bản phục vụ 24/7, Berlin buộc phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ các nước láng giềng, đặc biệt là trong những mùa Đông dài, tối và ít gió.

Điều này đã tạo ra áp lực lớn lên thị trường năng lượng của Na Uy. Khi ngày càng nhiều điện của Na Uy chảy vào lưới điện Đức, giá năng lượng trong nước tăng cao kỷ lục. Người dân Na Uy, vốn quen với điện giá rẻ nhờ nguồn thủy điện dồi dào, đang phản đối việc phải hy sinh lợi ích của họ để duy trì nguồn điện cho Đức.

Bloomberg nhận xét: "Nước Bắc Âu này ngày càng cảm thấy họ đang phải trả giá cho chính sách năng lượng thất bại của Đức - chính sách mà họ không được tham khảo ý kiến". Sự bất mãn này đã dẫn đến khủng hoảng chính trị tại Na Uy, khi Đảng Trung tâm rút khỏi liên minh cầm quyền, để lại cho Thủ tướng Jonas Gahr Støre một chính phủ thiểu số.

"EU ngăn cản chúng tôi thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiểm soát xuất khẩu điện", Trygve Slagsvold Vedum, lãnh đạo Đảng Trung tâm và Bộ trưởng Tài chính Na Uy, tuyên bố khi kêu gọi nước này "lấy lại quyền kiểm soát quốc gia" đối với giá điện.

Chính phủ Na Uy hiện đang xem xét một cơ chế kiểm soát để hạn chế xuất khẩu. Nếu Na Uy quyết định hạn chế hoặc cắt giảm hoàn toàn dòng năng lượng của mình vào EU, thì đây sẽ là thảm họa đối với khối này. Na Uy là nước xuất khẩu năng lượng lớn thứ ba của châu lục vào năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Store nhấn mạnh thực tế rằng mọi quốc gia đều phải cân nhắc lợi ích của mình: "Nếu chúng ta nhìn vào những gì đang diễn ra xung quanh Biển Bắc, tất cả các quốc gia đều đang đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Nhưng sau đó, mỗi nước phải tự cân nhắc khả năng đóng góp của mình và không ai sẽ làm điều gì đi ngược lại lợi ích quốc gia".

Những tranh cãi và bất ổn này có thể được xem như một phần tất yếu của quá trình chuyển đổi năng lượng chưa từng có trong lịch sử ở châu Âu. Cách thức các nhà lãnh đạo EU giải quyết những căng thẳng này, tái cấu trúc các quy định và tiếp tục theo đuổi tham vọng chuyển đổi năng lượng sẽ cung cấp những bài học quý giá cho phần còn lại của thế giới trong hành trình hướng tới một kỷ nguyên phi carbon.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice.com)
Châu Âu tìm kiếm khí đốt của Australia để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga?
Châu Âu tìm kiếm khí đốt của Australia để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga?

Trước áp lực nguồn cung và giá cả leo thang, châu Âu đang tìm kiếm nguồn khí đốt từ Australia để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Một lô hàng LNG từ Australia có thể cập bến Pháp lần đầu tiên kể từ năm 2022, báo hiệu sự dịch chuyển mới trong cán cân năng lượng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN