Vụ sát hại ông Khashoggi, công dân Saudi Arabia và là nhà báo làm việc cho tờ Washington Post (Mỹ), đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đồng minh phương Tây của Riyadh và đẩy Saudi Arbia vào cuộc khủng hoảng. Vương quốc Arab này là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới và là đồng minh chiến lược của phương Tây. Saudi Arabia là nhân tố chủ chốt nằm trong một liên minh khu vực do Mỹ hậu thuẫn nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Iran ở Trung Đông, song cuộc khủng hoảng liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Riyadh và phương Tây. Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn điều tra đến cùng vụ việc, song vẫn nêu bật vai trò của Riyadh như một đồng minh chống lại Iran và các phiến quân Hồi giáo.
Phát biểu tại hội nghị an ninh Đối thoại Manama thường niên diễn ra ở thủ đô Manama (Bahrain) ngày 27/10, ông Mattis nêu rõ: “Xét tới sự quan tâm chung của chúng ta đối với nền hòa bình và sự tôn trọng mạnh mẽ đối với nhân quyền, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại một cơ sở ngoại giao khiến tất cả chúng ta đều quan ngại. Việc bất kỳ quốc gia nào không thể tuân thủ các quy tắc quốc tế và pháp quyền đều gây xói mòn sự ổn định khu vực, đúng vào thời điểm mà sự ổn định là điều cần thiết nhất. Ngoại trưởng Mỹ đã thu hồi thị thực (của một số công dân Saudi Arabia) và sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung”. Tuy nhiên, trong bài phát biểu, người đứng đầu Lầu Năm Góc không đề cập đích danh Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, người đang chịu mũi dùi của dư luận. Mặc dù đưa ra một số bình luận cứng rắn về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, ông Mattis khẳng định vụ việc này sẽ không khiến mối quan hệ giữa Washington và Riyadh đi xuống.
Ông Dennis Ross, cố vấn Trung Đông hàng đầu cho cựu Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhận định: “Thật khó tưởng tượng chính quyền này sẽ thay đổi về cơ bản cách nhìn nhận vai trò của Saudi Arabia trong vấn đề chống khủng bố hay trong vấn đề đối phó Iran”.