Mỹ và nhiều nước ban bố lệnh kiểm tra động cơ máy bay Boeing 737

Ngày 18/4, Cơ quản Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho biết sẽ ban bố lệnh kiểm tra, rà soát khoảng 220 động cơ máy bay sau vụ tai nạn kinh hoàng trên chuyến bay của hãng Southwest Airlines khiến hành khách Jennifer Riordan thiệt mạng ngày 17/4 vừa qua.

Máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Southwest Airlines sau khi hạ cánh khẩn cấp tại Philadelphia, Pensylvania, Mỹ ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Lệnh kiểm tra này yêu cầu tiến hành các cuộc kiểm tra bằng siêu âm trong vòng 6 tháng tới đối với cánh quạt của tất cả các động cơ CFM56-7B được trang bị trên rất nhiều máy bay.


Trong khi đó, Southwest Airlines cho biết đã tích cực tiến hành các cuộc kiểm tra, rà soát toàn bộ các động cơ có liên quan và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 30 ngày tới. Tuy nhiên, không phải tất cả động cơ CFM56 đều được kiểm tra, mà chỉ tập trung vào khoảng 400 đến 600 mẫu động cơ cũ.


Cũng trong ngày 18/4, Pháp cho biết đã cử một đội khoảng 40 chuyên gia kỹ thuật đến Mỹ để hỗ trợ cuộc điều tra do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) tiến hành do động cơ của chiếc máy bay nói trên được công ty CFM International liên doanh giữa Mỹ và Pháp chế tạo. Bên cạnh đó, công ty Safran của Pháp – công ty cùng chế tạo động cơ máy bay với hãng General Electric - cũng sẽ cung cấp các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật.


Mặc dù không loại trừ nguyên nhân nào, nhưng Chủ tịch NTSB Robert Sumwalt ngày 17/4 cho biết kết quả kiểm tra ban đầu đối với động cơ bị lỗi nói trên cho thấy có hiện tượng ăn mòn kim loại tại vị trí cánh quạt bị vỡ vụn, một hiện tượng hiếm khi xảy ra. Tháng 8/2016, một chuyến bay của Southwest Airlines cũng đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Pensacola, bang Florida, sau khi một cánh quạt rời ra khỏi động cơ, và các mảnh vụn bắn ra phía trước cánh trái máy bay.


Các nhà điều tra cũng cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc ăn mòn kim loại. Theo ông Sumwalt cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn lần này sẽ mất khoảng 12 đến 15 tháng, trong khi mỗi cuộc kiểm tra riêng lẻ từng động cơ mất 2 giờ. Ông Sumwalt cho hay không thể nói trước được rằng vụ tai nạn nghiêm trọng này có thể dẫn đến một vấn đề có ảnh hưởng toàn diện đối với các máy bay Boeing 737-700 hay không.


Cùng với Mỹ, các hãng hàng không trên thế giới cũng đã bắt đầu tiến hành kiểm tra, rà soát một số loại động cơ máy bay Boeing 737. Đầu tháng này, các cơ quan chức năng của châu Âu đã yêu cầu tiến hành các cuộc kiểm tra sau khi có kết quả phân tích về nguyên nhân sự cố năm 2016 nói trên. Tuy nhiên, các điều tra viên cho rằng còn quá sớm để khẳng định hai vụ việc này có liên quan đến nhau. Hãng hàng không Ryanair của Ireland cho biết gần 70 máy bay của hãng này có trang bị động cơ CFM56-7B và tất cả đã được kiểm tra. Tại Canada, hãng WestJet Airlines khẳng định đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra một số loại cánh quạt nhất định, trong khi đó hãng hàng không Flydubai của Dubai thông báo đã thực hiện hướng dẫn của châu Âu trước thời hạn cuối cùng.


Trong khi đó, tại châu Á, hãng hàng không Korean Air Lines của Hàn Quốc cho biết đã có kế hoạch tiến hành các cuộc điều tra sớm về động cơ máy bay được sử dụng trên đội bay Boeing 737 của nước này vào tháng 11 tới. Nhật Bản cũng cho hay 2 máy bay Beoing 737 của Japan Airlines đã được kiểm tra và hoàn tất trong ngày 18/4.


Sự cố hạ cánh khẩn cấp năm 2016 của Southwest Airlines đã khiến FAA năm 2017 phải yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát bằng sóng siêu âm đối với các loại cánh quạt động cơ tương tự và bắt buộc thay thế nếu cần.


Tất cả các mẫu máy bay Boeing 737 gần đây đều được trang bị động cơ do CFM chế tạo. Các sản phẩm của CFM được nhiều hãng hàng không trên thế giới tín nhiệm, và đã được ghi nhận tới hơn 350 triệu giờ bay an toàn. Tuy nhiên một số động cơ do CFM chế tạo đã phải kiểm tra lại sau sự cố năm 2016. CFM cho biết có khoảng hơn 8000 động cơ CFM56-7B đang được trang bị cho các máy bay thương mại Boeing 737. Khoảng 20-30% số máy bay Boeing 737 có sử dụng mẫu cánh quạt tương tự như cánh quạt được trang bị trên máy bay của hãng Southwest.


TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ: Máy bay hạ cánh khẩn cấp vì động cơ bốc cháy
Mỹ: Máy bay hạ cánh khẩn cấp vì động cơ bốc cháy

Rạng sáng 19/4 (giờ Việt Nam), một máy bay dân dụng của Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp tại thành phố Atlanta do động cơ bốc cháy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN