Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người của Mỹ Alex Azar cũng thông báo rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tạm thời không cho phép nhập cảnh vào Mỹ đối với những người bị cho là có nguy cơ nhiễm chủng virus này. Những giới hạn mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ chiều 2/2. Ông Azar nêu rõ: “Nguy cơ đối với người Mỹ vẫn ở mức thấp và do đó, hành động trước mắt của chúng tôi là duy trì nguy cơ thấp này”.
Những người Mỹ trở về từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc sẽ bị yêu cầu cách ly trong 14 ngày. Những người đến từ những nơi khác tại Trung Quốc sẽ được phép tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong khoảng thời gian tương tự. Mỹ cũng sẽ bắt đầu chuyển tất cả các chuyến bay tới Mỹ từ Trung Quốc tới 7 sân bay lớn, nơi các hành khách có thể được khám bệnh.
Thông báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi cảnh báo "Không đi lại" cấp độ 4, cấp độ cảnh báo nguy cơ an toàn cấp cao nhất với công dân. Cấp độ cảnh báo này là cấp độ chỉ được chính quyền Mỹ áp dụng trong những tình huống nguy hiểm nhất.
*Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, đêm 31/1, các công dân Ấn Độ đã bắt đầu lên chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Air India trong chuyến bay sơ tán đặc biệt từ Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh do virus corona mới gây ra tại Trung Quốc, đến nay đã khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Báo Times of India đưa tin, chiếc máy bay sẽ đưa 366 công dân Ấn Độ về nước. Dự kiến máy bay sẽ hạ cánh xuống Delhi vào khoảng 2 giờ sáng 1/2. Máy bay chở theo 5 bác sĩ từ bệnh viện Ram Manohar Lohia cùng với tất cả các thiết bị y tế cần thiết dành cho những người được sơ tán. Ngoài ra, trên máy bay có 4 phi công, 15 thành viên phi hành đoàn, 3 kỹ sư, 5 nhân viên thương mại, 2 nhân viên an ninh và 1 quan chức biệt phái. Tất cả những người này đều mặc bộ đồ bảo hộ đầy đủ khi hạ cánh ở Vũ Hán, trước khi mở cửa máy bay ở đó.
Phi hành đoàn và những người khác trong chuyến bay sẽ thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa. Theo một quan chức của Air India, sẽ không có dịch vụ nào trên máy bay. Các hộp đồ ăn được đặt ngay trên ghế. Do không có dịch vụ, sẽ không có tương tác nào giữa phi hành đoàn và hành khách. Phi hành đoàn sẽ được sử dụng riêng hai nhà vệ sinh trên máy bay.
Đây là chuyến bay sơ tán đầu tiên của Ấn Độ. Chuyến bay thứ hai có thể khởi hành từ Delhi vào ngày 1/2. Theo một tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ, những người được sơ tán sẽ bị cách ly trong 14 ngày tại 2 trung tâm kiểm dịch được thiết lập tại Manesar và Chawla Camp gần Delhi. Tất cả các hành khách nam (khoảng 280 người) được đề xuất chuyển đến cơ sở Manesar và gia đình/hành khách nữ (khoảng 90 người) có thể được đưa đến cơ sở Chawla Camp. Bất cứ người nào bị phát hiện bị ảnh hưởng bởi virus corona sẽ được chuyển đến bệnh viện được chỉ định để điều tra và giám sát thêm. Trong trường hợp đó, giới hữu trách cũng sẽ đánh giá có cần phải cách ly thêm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân hay không. Tuyên bố cũng cho hay một cơ sở chăm sóc bệnh nhân nguy kịch gồm 50 giường đã được thiết lập tại Bệnh viện Safdarjung tại thủ đô New Delhi.
*Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, chính quyền tỉnh bang Ontario, Canada vừa xác nhận ca nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCoV) thứ tư tại nước này.
Bệnh nhân là nữ sinh đại học, trong độ tuổi 20, mới từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về Canada. Sau khi vào viện thăm khám, nữ bệnh nhân này đang được theo dõi cách ly tại nhà, với các triệu chứng được đánh giá là nhẹ và cũng đã phục hồi.
David Williams, người đứng đầu cơ quan y tế của Ontario từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về chuyến bay đã chở nữ sinh viên này từ Trung Quốc về Canada và chỉ cho biết chuyến bay này hạ cánh tại Toronto ngày 23/1.
Trước đó, giới chức y tế Canada đã xác nhận 3 trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV, trong đó có cặp vợ chồng trở về Toronto từ Vũ Hán và một người đàn ông ở bang British Columbia Trung tâm Khoa học ngành y Sunnybrook tại Toronto cho biết, người đầu tiên nhiễm virus 2019-nCoV ở Canada đã ra viện ngày 31/1.
Để trấn an người dân Canada, trong một phát biểu ngày 30/1, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định rủi ro nhiễm 2019-nCoV đối với người dân tại Canada hiện ở mức thấp. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do 2019-nCoV gây ra.