Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal số ra ngày 20/10, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh ông sẽ giải tỏa các quan ngại về thương mại của các đồng minh châu Âu.
Ông cho biết Tổng thống Donald Trump đã thể hiện khá rõ ràng rằng Nhà Trăng không muốn can thiệp vào các thỏa thuận làm ăn giữa châu Âu và Iran khi tuyên bố rằng các nước này cứ "làm điều mình muốn". Theo Ngoại trưởng Tillerson, trong thời gian qua, Mỹ đã thảo luận với các đối tác châu Âu về vấn đề này trên cơ sở nhận thức nói trên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu trong một sự kiện ở Washington, DC ngày 18/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hoạt động trao đổi thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran đã tăng mạnh kể từ sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc có hiệu lực hồi tháng 1/2016. Kim ngạch thương mại giữa EU và Iran năm 2016 là khoảng 16 tỷ USD.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson được đưa ra 1 tuần sau khi Tổng thống Trump từ chối xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - một tín hiệu cho thấy "ông chủ" Nhà Trắng đang hướng tới cách tiếp cận cứng rắn hơn với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Động thái của Tổng thống Trump cũng đồng nghĩa với việc trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không. Mặc dù một số cường quốc phương Tây cũng có cùng một số quan ngại với Mỹ song đều cho rằng nên đối thoại để giải quyết và cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ.
Liên quan vấn đề này, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nêu rõ thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran chỉ có thể được sửa đổi chừng nào Nga và các nước khác ký tham gia thỏa thuận này nhất trí với những thay đổi được đề xuất.
Phát biểu họp báo ở Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh mọi sự thay đổi đơn phương đối với JCPOA có thể "chôn vùi" thỏa thuận vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định chiến lược và không phổ biến hạt nhân này.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 sau 12 năm đàm phán cam go. Theo đó, Iran cam kết kiềm chế các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lại các đối tác sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với nước này liên quan tới vấn đề hạt nhân.
Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Trump liên tục gọi đây là thỏa thuận "tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký kết" và "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Đến nay, trừ Mỹ, các nước còn lại trong Nhóm P5+1 đều cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân ký với Iran.