Phát biểu với phóng viên, Tổng thống Trump khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, và các phụ tá nhằm đáp trả việc Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ hồi tuần trước.
Tổng thống Trump cho hay sắc lệnh hành chính áp đặt trừng phạt mới này sẽ siết chặt lĩnh vực tài chính của Iran. Ông nhấn mạnh tới việc ưu tiên sử dụng các đòn trừng phạt, hơn là phát động một cuộc tấn công quân sự.
Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời khẳng định ông không tìm kiếm xung đột với Tehran, bày tỏ hy vọng các lệnh trừng phạt một ngày nào đó có thể được dỡ bỏ.
Căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện, tên chính thức của Thỏa thuận hạt nhân đa phương mà các cường quốc quốc tế ký với Tehran năm 2015, đồng thời nối lại các lệnh trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ngày 13/6, tàu vận tải Kokuka Courageous bị tấn công khi đang trên đường chở 25.000 tấn methanol đến cảng Khor Fakkan của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA). Một tàu chở dầu khác là Front Altair của Na Uy cũng bị tấn công cùng ngày.
Mỹ và các đồng minh đổ cho Iran thực hiện các vụ tấn công và Washington đã lập tức điều tàu khu trục USS Mason đến vùng Vịnh để hỗ trợ. Tuy nhiên, Tehran bác bỏ các cáo buộc này. Để chứng minh cáo buộc, Mỹ tung ra đoạn clip ghi lại hình ảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ một số vật thể được cho là mìn còn sót lại được gắn bên hông tàu Kokuka Courageous.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Mỹ cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh là "vô căn cứ" và nằm trong chiến dịch "ngoại giao phá hoại". Phía Tehran bày tỏ nghi ngờ chính Mỹ đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu trên.
Video Phòng không Iran công bố về vụ bắn rơi máy bay do thám Mỹ. (Nguồn: RT)
Song căng thẳng lên tới mức báo động sau vụ Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ gần eo biển chiến lược Hormuz (Hoóc-mút) hôm 20/6. Tehran khẳng định máy bay đã "đi vào không phận Iran", nhưng phía Mỹ tuyên bố rằng máy bay "đang bay ở vùng biển quốc tế".
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Iran đã phạm một sai lầm rất lớn". Theo người phát ngôn Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Bill Urban (Bin Ơ-bân), chiếc máy bay do thám BAMS-D đã bị hệ thống tên lửa đất đối không của Iran "vô cớ bắn hạ khi máy bay này đang di chuyển trên khu vực không phận quốc tế". Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết đã bắn hạ chiếc máy bay trên khi nó di chuyển vào không phận của Iran, cụ thể là gần khu vực Kouhmobarak ở miền Nam Iran.
Thậm chí, Tổng thống Trump ngày 20/6 đã phê chuẩn tấn công Iran nhưng ngay sau đó rút lại quyết định khi các máy bay và tàu chiến Mỹ ở Trung Đông đã vào vị trí. Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump viết: "10 phút trước khi diễn ra cuộc không kích, tôi đã ra lệnh dừng lại, vì không cân xứng với vụ bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Tôi không vội, quân đội của chúng tôi đã được củng cố, tăng cường và sẵn sàng chiến đấu, với vị thế hùng mạnh nhất thế giới". Tổng thống Trump đồng thời nhấn mạnh "các biện pháp trừng phạt là rất khắc nghiệt" và không khoan nhượng, có thể kéo dài nhiều năm.
Giới quan sát đánh giá quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng là một bước đi hợp lý và khôn ngoan. Theo các chuyên gia, tấn công quân sự là một hành động cực kỳ rủi ro với Mỹ, tiềm ẩn nhiều thiệt hại.
Trong khi đó, các đòn trừng phạt khắc nghiệt của Washington với Tehran trên thực tế gây khó khăn lớn cho Iran. Lượng dầu thô xuất khẩu của Iran tiếp tục giảm trong tháng 6/2019 do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nguồn thu chính này của Tehran, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.
Các nguồn tin trong ngành ngày 24/6 cho biết trong 3 tuần đầu tháng 6, Iran xuất cảng ra nước ngoài khoảng 300.000 thùng/ngày, giảm so với mức xuất khẩu 400.000-500.000 thùng/ngày được ghi nhận vào tháng trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là con số lẻ so với lượng dầu xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày của Iran hồi tháng 4/2018, tức 1 tháng trước khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo này liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Với mục tiêu giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran còn 0%, tháng 5/2019, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Tehran. Với những con số nêu trên, rõ ràng các biện pháp trừng phạt của Washington đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu "vàng đen" của Iran, cũng như thu hẹp nguồn cung cầu dầu cho thị trường thế giới.