Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley. Ảnh: AFP |
Theo truyền thống, Mỹ và Trung Quốc thường đàm phán về các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên trước khi chính thức thảo luận với các thành viên khác trong HĐBA. Các nhà ngoại giao tiết lộ một cách không chính thức rằng Mỹ, Anh và Pháp sẽ tiếp tục đứng về một phe, trong khi Trung Quốc có khả năng sẽ thảo luận với Nga.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley hôm 5/7 cho biết, bà sẽ đề xuất những biện pháp trừng phạt mới ra trước HĐBA gồm 15 thành viên trong những ngày tới, mặc dù Nga nói rằng việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ không giải quyết được vấn đề. Ngày 6/7, Nga đã phản đối HĐBA LHQ ra tuyên bố kêu gọi áp đặt "những biện pháp đáng kể" để đáp trả vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, với lập luận rằng tên lửa này thực tế chỉ là một tên lửa tầm trung. Theo các nhà ngoại giao tại LHQ, Mỹ đã lưu hành tuyên bố trên sau khi thông báo kế hoạch về một nghị quyết trừng phạt mới song Nga đã phản đối.
Dự thảo tuyên bố nhắc lại HĐBA nhất trí tăng cường "nhiều biện pháp hơn nữa" trong trường hợp Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa hay hạt nhân, và cơ quan quyền lực nhất của LHQ sẽ bắt đầu "làm việc ngay lập tức nhằm đưa ra các biện pháp như vậy". Các nhà ngoại giao cho biết Nga đã phản đối chi tiết khẳng định "Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa" đề cập trong tuyên bố dự thảo. Phái đoàn Nga tại LHQ khẳng định không ngăn chặn tuyên bố nói trên nhưng cho rằng Mỹ phải có sự "chỉnh sửa thích hợp đối với văn bản này", bởi Nga không thể nhất trí rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng là một tên lửa xuyên lục địa. Phái đoàn Nga cho biết thêm rằng dựa vào hệ thống theo dõi của mình, Bộ Quốc phòng Nga tin rằng đây chỉ là một tên lửa tầm trung.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trong khi cả Mỹ và Liên hợp quốc cũng xác nhận tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng ngày 4/7 có tầm bắn xuyên lục địa.