Trên đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách lĩnh vực kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Bonnie Jenkins, đưa ra ngày 23/9.
Hãng tin Sputniknews dẫn lời Thứ trưởng Jenkins khẳng định: “Tôi muốn nói rõ ngay từ đầu rằng Mỹ ủng hộ CTBT và cam kết phối hợp để hiệp ước có hiệu lực thi hành”.
CTBT được ký cách đây 25 năm, là một trong các văn kiện quốc tế thể hiện nỗ lực của cộng động quốc tế nhằm hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Nội dung chính của hiệp ước nêu rõ trách nhiệm đối với tất cả quốc gia thành viên không được thử nổ vũ khí hạt nhân trong mọi môi trường trên lãnh thổ của mình và cũng không được tham gia hay khuyến khích bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở bất cứ đâu trên thế giới. Đến nay văn kiện này đã được 185 quốc gia ký tham gia và 170 nước trong số đó phê chuẩn.
Để có hiệu lực thi hành, CTBT phải có sự phê chuẩn của 44 quốc gia được nêu trong Phụ lục số 2. Trong số này, 36 quốc gia đã phê chuẩn, bao gồm 3 cường quốc hạt nhân là Nga, Anh và Pháp. Trong số 8 nước còn lại có 3 nước không ký hiệp ước - Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan. Ngoài ra, 5 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel và Iran. Chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối yêu cầu phê chuẩn và áp dụng hiệu lực của CTBT, đồng thời bảo lưu quyền nối lại các vụ thử hạt nhân trong trường hợp cần thiết.
Thứ trưởng Jenkins bày tỏ “Chúng tôi nhận thấy mức độ nghiêm trọng của những khó khăn đang cản trở việc thực hiện mục tiêu đó" và thừa nhận tất cả các quốc gia còn lại trong Phụ lục số 2 cần phê chuẩn hiệp ước.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Điện Kremlin cho biết việc 8 nước từ chối phê chuẩn CTBT sẽ không góp phần vào mục tiêu chung của thế giới là giải pháp vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong tuyên bố của mình, Điện Kremlin hy vọng các nước này sẽ thể hiện thiện chí chính trị nhằm đảm bảo các điều kiện cần và đủ để CTBT có hiệu lực trong những năm tới.