Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ: “Các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là không thể chấp nhận được". Ông cho biết Washington lên án hành vi bạo lực này cũng như mối đe dọa lớn hơn mà các phần tử vũ trang hoạt động trên khắp Mali gây ra, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Mali.
Cùng ngày, ông Farhan Haq - Phó phát ngôn của Tổng thư ký LHQ cho biết, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Jean-Pierre Lacroix, đã lên đường tới Bamako để gặp nhà chức trách Mali thảo luận tiến trình rút dần lực lượng MINUSMA trước ngày 31/12. Theo kế hoạch, ông Lacroix cũng sẽ gặp Nhóm quốc gia LHQ (UNCT) cùng Văn phòng LHQ ở Tây Phi và Sahel (UNOWAS) thảo luận việc rút quân theo yêu cầu của Mali và được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hôm 30/6. Bên cạnh đó, ông Lacroix cũng dự kiến gặp các nhân viên của LHQ để cảm ơn sự cống hiến và hy sinh của họ trong nhiều năm phục vụ và hỗ trợ người dân Mali.
LHQ triển khai MINUSMA tại Mali từ năm 2013, với 11.700 binh sĩ đến từ 65 quốc gia. Sứ mệnh của phái bộ này được cho là sứ mệnh nguy hiểm nhất mà LHQ từng tham gia, theo đó hơn 250 binh sĩ gìn giữ hòa bình đã thiệt mạng trong 10 năm qua.
Mới đây nhất, nhóm phiến quân "Ủng hộ Đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo" (GSIM) có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công nhằm vào MINUSMA hôm 13/8 trên một đường ở miền Bắc Mali, giữa thành phố Timbuktu và làng Ber, khiến ít nhất 4 thành viên MINUSMA bị thương. Tiếp đó, ngày 15/8, một đoàn xe của MUNISMA di chuyển từ Menaka đến Gao cũng bị các phần tử có vũ trang chưa rõ danh tính tấn công. Rất may không có ai bị thương trong vụ tấn công này. Đoàn xe trên chở các binh sĩ gìn giữ hòa bình và thiết bị của MINUSMA trong khuôn khổ hoạt động rút quân của lực lượng này.