Quân đội Mỹ sẽ có sự hiện diện quân sự rộng lớn hơn tại các căn cứ quân sự ở Philippines theo một hiệp định thời hạn 10 năm, theo thỏa thuận được ký kết ngày 28/4, nhân chuyến thăm tới Manila của Tổng thống Barack Obama.
Cả giới chức Mỹ và Philippines đều xác nhận thông tin về hiệp định này ngay trước thềm chuyến thăm và xem đây là một phần trung tâm trong chuyến công du tới 4 nước châu Á của ông Obama.
Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận PHIBLEX 2013 tại căn cứ Crow Valley, tỉnh Tarlac, miền Nam Philippines. Ảnh: AP |
Hiệp định hợp tác Quốc phòng nâng cao này sẽ cho phép quân đội Mỹ có quyền đồn trú luân phiên tại các trung tâm quân sự và được phép triển khai máy bay, tàu chiến.
Dựa tên các nguồn thông tin có được, hãng tin AP cho biết: Văn bản có tên gọi Hiệp định hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) này không quy định chi tiết số lượng binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai “luôn phiên, tạm thời”, mà chỉ nhấn mạnh rằng nó sẽ phụ thuộc và mức độ, quy mô các hoạt động quân sự chung ở các trung tâm, căn cứ này.
Về phần mình, Giám đốc cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Evan Medeiros, cho biết: Số lượng và thời hạn luân phiên sẽ tiếp tục được hai bên thảo luận. Ông cũng từ chối cung cấp thông tin về các khu vực sẽ đón nhận quân đội Mỹ, nhưng nói là Vịnh Subic có thể sẽ là một điểm được chọn.
Giới phân tích nhận định, Hiệp định này sẽ giúp hai bên đạt tới những mục đích khác nhau. Trên lĩnh vực quân sự, Philippines từ lâu đã nỗ lực thúc đẩy khả năng bảo đảm quốc phòng giữa lúc Trung Quốc có những hành động quyết đoán trong tranh chấp ở Biển Đông.
Chuyên gia Ramon Casiple, Giám đốc một Trung tâm nghiên cứu chính trị có trụ sở ở Manila, nhận định: “Động lực cấp bách và khẩn thiết của Philippines lúc này là tăng cường tiềm lực và hướn đến một khiên đỡ an ninh trong bối cảnh sức mạnh quân sự còn yếu kém. Mỹ thì đang tìm cách quay trở lại châu Á - khu vực mà vị thế siêu cường Mỹ đang bị đặt dấu hỏi”.
Cũng theo ông Casiple, thỏa thuận mới này sẽ giúp kiềm chế quan điểm ngày một “táo bạo” của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp, nhưng nó đồng thời cũng có thể sẽ chọc giận giới lãnh đạo Bắc Kinh – những người vẫn xem bước liên minh chiến thuật kiểu này là chiến lược của Mỹ nhằm kiềm tỏa Trung Quốc trỗi dậy. Nó cũng sẽ thúc đẩy quốc gia đông dân nhất thế giới này tăng cường sức mạnh quân sự.
Hiệp định nhấn mạnh, Mỹ sẽ “không hiện diện quân sự vĩnh viễn hay thiết lập các căn cứ quân sự ở Philippines”, theo đúng hiến pháp của Philippines. Tư lệnh quân đội Philippines sẽ được quyền tiếp cận với toàn bộ các khu vực chia sẻ với quân đội Mỹ”, thể hiện “sự tôn trọng tuyệt đối” chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á này.
Chính điều khoản về tiếp cận này đã làm trì hoãn các cuộc đàm phán kết thúc hiệp định hồi năm ngoái. Về trách nhiệm của mỗi bên, Mỹ sẽ không phải trả các khoản chi phí cho việc thuê mướn các căn cứ, địa điểm này; Philippines xây dựng nhà, cơ sở hạ tầng, được hưởng các lợi ích kinh tế từ sự hiện diện quân sự này. Đáng chú ý, Hiệp định 10 năm này nhấn mạnh, đây là thỏa thuận điều hành và vì thế không cần phải buộc Thượng viện Philippines thông qua.
Sự có mặt của quân đội nước ngoài là chủ đề nhạy cảm ở Phillipines, nước từng là thuộc địa của Mỹ. Các nhà hoạt động cánh tả đã tiến hành các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Obama cũng như hiệp định quân sự mới.
Năm 1991, Thượng viện Phillipines đã bỏ phiếu thông qua quyết định đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở Subic và Clark, miền tây bắc Philippines. Tuy nhiên, chính họ vào năm 1999 cũng lại phê chuẩn một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ thực hiện các chuyến viếng thăm luôn phiên. Sau vụ khủng bố 11/9/2001, hàng trăm binh sĩ Mỹ đã được phái tới miền nam Philippines theo một hiệp định cùng tiến hành các hoạt động diễn tập chống khủng bố.
HT (AP)