Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã chuyển thư ngỏ mong muốn tái gia nhập với UNESCO vào ngày 8/6. Trong bức thư, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Verma đã đề xuất “một kế hoạch để Mỹ tái gia nhập tổ chức”.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin chi tiết về đề xuất vẫn chưa được công bố. Mỹ nợ UNESCO một khoản tiền đáng kể hội phí. Nhưng vào đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Biden đã dành ra 150 triệu USD trong ngân sách hiện tại để trả cho UNESCO.
Mỹ bắt đầu ngừng trả hội phí từ năm 2011. Một khi trả hết phần hội phí còn nợ UNESCO từ năm 2011-2017, Mỹ dự kiến sẽ phải chi 100 triệu USD/năm để duy trì tư cách thành viên được bỏ phiếu của tổ chức này.
Mỹ và UNESCO có mối quan hệ thất thường trong 4 thập niên qua do bất đồng liên quan đến các vấn đề hệ tư tưởng.
Cựu Tổng thống Ronald Reagan đã rút Mỹ khỏi UNESCO năm 1983. Sau đó, cựu Tổng thống George W. Bush lại đưa Mỹ quay trở lại năm 2002. Cựu Tổng thống Trump đưa Mỹ ra khỏi UNESCO năm 2017 vì bất đồng liên quan đến vấn đề Israel. Bên cạnh đó, Israel cũng tuyên bố quyết định tương tự cùng thời điểm và việc Tel Aviv rời UNESCO có hiệu lực từ tháng 1/2018.
Chính quyền của ông Biden đã bày tỏ ý định tái gia nhập UNESCO từ giai đoạn đầu nhiệm kỳ. Vào tháng 3, khi ngân sách cho tài khóa mới được công bố, Thứ trưởng John Bass cho biết chính quyền Tổng thống Biden tin rằng việc tái gia nhập UNESCO sẽ hỗ trợ Mỹ trong đối trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư khá nhiều vào các tổ chức của Liên hợp quốc.
Ông nêu rõ: “Nếu thực sự nghiêm túc về cạnh tranh thời kỳ kỹ thuật số với Trung Quốc, từ quan điểm của tôi, chúng ta không thể vắng mặt lâu hơn nữa tại một trong những diễn đàn then chốt tạo tiêu chuẩn đối với giáo dục, khoa học và công nghệ. Có nhiều ví dụ khác trong sứ mệnh của UNESCO với sự vắng mặt của Mỹ là đáng chú ý và nó làm giảm năng lực của chúng ta trong quảng bá hiệu quả tầm nhìn về một thế giới tự do”.