Kênh CNN (Mỹ) cho biết Lầu Năm Góc đã đưa ra đánh giá trên trong báo cáo thường niên công bố ngày 2/5.
Hiện tại, Trung Quốc chỉ sở hữu một căn cứ quân sự ở hải ngoại, đặt tại quốc gia châu Phi Djibouti. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc ấp ủ kế hoạch xây thêm căn cứ quân sự mới, địa điểm tiếp theo được lựa chọn có thể là Pakistan.
Trong báo cáo thường niên lên quốc hội về phát triển quân sự và an ninh Trung Quốc, Lầu Năm Góc đề cập: “Những chương trình phát triển của Trung Quốc như ‘Vành đai, Con đường’ có khả năng sẽ thúc đẩy quân đội Trung Quốc ra nước ngoài để bảo vệ dự án thuộc sáng kiến này”.
“Trung Quốc theo đó sẽ thành lập thêm căn cứ quân sự tại các quốc gia có mối quan hệ hữu nghị hoặc có chung lợi ích chiến lược với Trung Quốc như Pakistan”, Lầu Năm Góc nhận định.
Lầu Năm Góc cũng cảnh báo rằng hoạt động gia tăng của Trung Quốc tại vùng Bắc Cực là nhằm mở đường cho hiện diện quân sự. Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Đan Mạch đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc “để mắt” tới Greenland khi đề nghị mở trạm nghiên cứu, sân bay và mỏ khai thác. Theo đó, nghiên cứu mang tính dân sự thực chất có thể hỗ trợ tăng cường hiện diện quân sự Trung Quốc ở Bắc Băng Dương.
Năm 2018 từng có thông tin Trung Quốc để mắt tới căn cứ tại Wakhan ở Tây Bắc Afghanistan. Trong khi đó, tờ Washington Post (Mỹ) gần đây đưa tin về một cơ sở hiện diện nhiều quân nhân Trung Quốc ở phía Đông Tajikistan.
Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc ưu tiên hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Hải quân Trung Quốc hiện vận hành 4 tàu ngầm năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 50 tàu ngầm tấn công. Lầu Năm Góc còn nhận xét rằng hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đến năm 2020 sẽ tăng trong khoảng 65-70 chiếc.