Điều này tạo thuận lợi để Đảng Cộng hòa có thể giành quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, có được quyền lực sâu rộng lần đầu tiên sau 8 năm để thực hiện một chương trình nghị sự rộng rãi về cắt giảm thuế và chi tiêu, bãi bỏ quy định về năng lượng và kiểm soát an ninh biên giới.
Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ buộc Đảng Cộng hòa phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi theo đuổi một kế hoạch có thể làm suy yếu mục tiêu được tuyên bố từ lâu là kiềm chế khoản nợ 35.000 tỷ USD của chính phủ.
Theo các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, các ưu tiên ban đầu dự kiến sẽ bao gồm gia hạn quy định cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump, tài trợ xây dựng bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico, cắt giảm các khoản tiền chưa sử dụng do đảng Dân chủ phân bổ, đóng cửa Bộ Giáo dục và hạn chế quyền lực của các cơ quan bao gồm Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng.
Theo Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm, các đề xuất cắt giảm thuế mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử, từ việc gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 đến bãi bỏ thuế đối với tiền tip, tiền làm thêm giờ và trợ cấp an sinh xã hội, có thể khiến khoản nợ của quốc gia tăng thêm 7.500 tỷ USD trong thập kỷ tới. Thâm hụt ngân sách liên bang đã tăng vọt lên 1.833 tỷ USD trong tài khóa 2024, do lãi suất của khoản nợ lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ USD.
Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa ở Hạ viện Steve Scalise nói rằng các nhà lập pháp đã làm việc với ông Trump trong nhiều tháng để đảm bảo rằng họ có thể bắt đầu hoạt động với “chương trình nghị sự 100 ngày đầu tiên thực sự tích cực, táo bạo và bảo thủ”. Ông cho biết mục tiêu là khôi phục mức tăng trưởng kinh tế đã đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 và khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Đảng Cộng hòa chỉ ra mức tăng đáng kể trong doanh thu thuế Liên bang kể từ năm 2017 là bằng chứng cho thấy việc cắt giảm thuế của ông Trump đã tăng doanh thu và cho biết chương trình nghị sự hiện tại của ông sẽ mang lại nhiều điều tương tự hơn.
Ông Scalise cho rằng lịch sử đã cho thấy khi giảm gánh nặng thuế chung cho các gia đình, không chỉ tiền lương của họ tăng lên mà số tiền đổ vào chính phủ liên bang cũng thực sự tăng. Nếu kiểm soát được chi tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế đó thực sự sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách để giúp giảm thâm hụt.
Tuy nhiên, mức tăng doanh thu được dẫn ra là ở khoản thu danh nghĩa do lạm phát và nền kinh tế đang tăng trưởng. Nguồn thu suy giảm khi tính đến quy mô của nền kinh tế.