Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội thương mại Washington tổ chức, bà Katherine Tai bày tỏ hy vọng vào mùa Hè này, các quốc gia tham gia có thể tiến hành cuộc họp chính thức và tiến hành thảo luận các trụ cột khác nhau. Bà Katherine Tai nêu rõ IPEF tập trung vào bốn trụ cột gồm thương mại bình đẳng, khả năng hồi phục của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.
Bà Katherine Tai nhấn mạnh để có thể trở thành thành viên của IPEF, mỗi quốc gia cần tham gia đầy đủ ít nhất một trong bốn trụ cột của sáng kiến này. Do vậy, trong vài tuần tới, các nước tham gia sẽ thảo luận sâu hơn, làm rõ các nội hàm của IPEF, đưa ra chi tiết về tầm nhìn. Bà Katherine Tai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong sáng kiến IPEF.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố IPEF. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, IPEF sẽ là một thỏa thuận tập trung vào sự gắn kết hơn nữa của các nền kinh tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc trong các lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số.