Theo nguồn tin, khoảng 900 quân nhân Mỹ, bao gồm cả một số lính mũ nồi Xanh (lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Mỹ), sẽ ở lại Syria để tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho SDF trong cuộc chiến chống IS. Nguồn tin dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết trước mắt dự kiến không có những thay đổi về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria. Thực tế, hơn một năm nay, quân đội Mỹ không đi kèm lực lượng quân sự địa phương trong các cuộc tuần tra chiến đấu ở Syria hay Iraq. Quân đội Mỹ và liên quân chỉ hỗ trợ SDF từ xa.
Tại những vùng lãnh thổ do người Kurd và lực lượng Mỹ kiểm soát ở Đông Bắc Syria, hành động tập trung đông người phản đối sự hiện diện của họ diễn ra ngày càng nhiều. Lực lượng SDF từng sử dụng vũ khí để giải tán người biểu tình. Những bộ tộc lớn người Arab ra tuyên bố chung chống lại sự hiện diện bất hợp pháp của quân đội Mỹ và lực lượng SDF, yêu cầu khôi phục hoàn toàn việc quản lý nhà nước dưới sự lãnh đạo của chính quyền Damascus. Chính phủ Syria cũng nhiều lần tuyên bố sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này vi phạm chủ quyền quốc gia và tất cả các quy tắc quốc tế.
Cuộc xung đột ở Syria nổ ra năm 2011 với nhiều phe đối lập vũ trang và các nhóm khủng bố chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Cuộc can thiệp do Mỹ cầm đầu vào Syria bắt đầu năm 2014, với mục tiêu đặt ra là đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Năm 2015, Nga triển khai quân đến Syria theo yêu cầu của chính phủ nước này để hỗ trợ chống lại lực lượng khủng bố. Tháng 10/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương triển khai binh sỹ ở miền Bắc Syria trong chiến dịch nhằm truy quét lực lượng dân quân người Kurd ở các khu vực giáp biên giới.
Hơn 387.000 người dân Syria thiệt mạng và hàng triệu người phải rời nhà đi lánh nạn kể từ khi cuộc xung đột bùng phát.