Mỹ khẳng định có đủ công cụ để giải cứu các ngân hàng

Ngày 8/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết giá cổ phiếu của một số ngân hàng khu vực vẫn đang chịu sức ép, song lượng tiền gửi đã ổn định, các nhà quản lý sẵn sàng sử dụng các công cụ từng dùng để giải cứu ngân hàng trong thời gian gần đây nếu nguy cơ lan rộng.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNBC, Bộ trưởng Yellen cho biết một số lệnh bán cổ phiếu ngân hàng là do áp lực chốt lời, song diễn biến này vẫn chưa đòi hỏi phải áp dụng bất kỳ biện pháp kiểm soát nào. Bà Yellen khẳng định dù giá cổ phiếu đang chịu sức ép, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đủ vốn và đảm bảo khả năng thanh khoản. Các nhà quản lý sẵn sàng sử dụng các công cụ từng dùng trước đây, nếu sức ép gia tăng đến mức có thể khiến khủng hoảng lan rộng.

Khi được hỏi liệu có ủng hộ việc tạm thời cấm bán khống cổ phiếu ngân hàng để giảm bớt sức ép cho các ngân hàng khu vực hay không, bà Yellen cho biết điều này do Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) quyết định. Bà cũng lưu ý rằng lần gần đây nhất Mỹ sử dụng công cụ kiểm soát này là vào năm 2008 và biện pháp này đã khiến tình hình tồi tệ hơn. Bà nhấn mạnh nếu phát hiện có hành vi thao túng thị trường, SEC chắc chắn sẽ hành động. Tuy nhiên, việc bán khống cổ phiếu vẫn chưa đến mức phải áp đặt kiểm soát.

Cùng ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (ngân hàng trung ương - Fed) công bố kết quả thăm dò cho thấy các ngân hàng Mỹ đã siết chặt các tiêu chuẩn cho vay trong những tháng đầu năm nay và dự kiến sẽ duy trì biện pháp này cho đến hết năm 2023.

Cuộc thăm dò được thực hiện trong bối cảnh lĩnh vực tài chính đang đối mặt với tình trạng tiền gửi bị rút mạnh sau vụ các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ hồi tháng 3 vừa qua. Trong những tuần gần đây, cổ phiếu của các ngân hàng tầm trung đã trải qua những ngày giao dịch khó khăn, trong khi các nhà đầu tư cảnh giác trước nguy cơ ngân hàng sụp đổ do tiền gửi bị rút ra ồ ạt.

Về triển vọng tiêu chuẩn cho vay từ nay đến cuối năm 2023, Fed cho biết “các ngân hàng dự kiến siết chặt tiêu chuẩn trong tất cả các danh mục cho vay". Nguyên nhân chính dẫn đến động thái này là do nguy cơ giảm chất lượng tín dụng trong các danh mục cho vay và các giá trị thế chấp của khách hàng. Những lý do khác gồm lo ngại về chi phí tiền gửi, khả năng thanh khoản và nguy cơ tiền gửi bị rút mạnh.

Trong báo cáo khác về ổn định tài chính được công bố ngày 8/5 (cũng là báo cáo đầu tiên kể từ sau vụ một số ngân hàng Mỹ sụp đổ), Fed đã bày tỏ lo ngại về hiện tượng thắt chặt tín dụng. Báo cáo của Fed nêu rõ: “Lo ngại về triển vọng kinh tế, chất lượng tín dụng và tiềm lực vốn có thể khiến các ngân hàng và các thể chế tài chính khác tiếp tục thu hẹp nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế”. Báo cáo nhấn mạnh động thái này sẽ làm tăng chi phí vay nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình, có nguy cơ khiến hoạt động kinh tế đi xuống.

Bích Liên (TTXVN)
Tỷ phú Warren Buffett đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ về khủng hoảng ngân hàng
Tỷ phú Warren Buffett đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ về khủng hoảng ngân hàng

Nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett ngày 6/5 cho rằng Chính phủ Mỹ đã chưa xử lý cuộc khủng hoảng ngân hàng tốt và đó là lý do tại sao niềm tin của người tiêu dùng chưa quay trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN