Mỹ, Israel thảo luận về thỏa thuận hạt nhân với Iran

Nhà Trắng cho biết ngày 24/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về thỏa thuận bước đầu giữa Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng sau khi thỏa thuận đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 23/11. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo thông cáo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo “tái khẳng định mục tiêu chung là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”. Ông Obama cũng đảm bảo với Thủ tướng Israel rằng “nhóm P5+1 sẽ tận dụng những tháng sắp tới để theo đuổi một giải pháp lâu dài, toàn diện và hòa bình giúp giải quyết quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran”.

Tổng thống Obama cũng mong muốn Mỹ và Israel bắt đầu các cuộc tham vấn ngay lập tức về nỗ lực để đàm phán hướng tới một giải pháp toàn diện như trên. Ông Obama cũng “nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục kiên định trong cam kết của mình với Israel”.

Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước cũng nhất trí sẽ duy trì liên hệ chặt chẽ về vấn đề này khi Nhóm P5+1 và Iran đàm phán về một giải pháp lâu dài trong 6 tháng tới.

Cùng ngày, Tổng thống Israel Shimon Peres cũng cho biết thỏa thuận tạm thời vừa đạt được giữa các cường quốc với Iran cần phải có thời gian. Thông cáo ra ngày 24/11 của Văn phòng Tổng thống Israel có đoạn: “Thành công hay thất bại của thỏa thuận sẽ được đánh giá bởi kết quả chứ không bằng ngôn từ. Israel cũng giống như các nước khác trong cộng đồng quốc tế ủng hộ một giải pháp ngoại giao”.

Tuy nhiên, Tổng thống Peres cũng cảnh báo Iran về những hậu quả mà nước này sẽ phải đối mặt nếu không thúc đẩy thỏa thuận. Thông cáo viết: "Cộng đồng quốc tế sẽ không dung thứ cho một nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu giải pháp ngoại giao thất bại, lựa chọn hạt nhân sẽ bị ngăn chặn bởi các biện pháp khác".

Văn phòng Tổng thống cũng bác bỏ rằng ngôn từ của ông Peres mâu thuẫn với những phát biểu trước đó của Thủ tướng nước này, ông Netanyahu.

Trong một diễn biến khác, bất chấp tuyên bố của Nhà Trắng coi thỏa thuận tạm thời giữa nhóm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức (P5+1) với Iran là bước đột phá đầu tiên sau gần một thập kỷ bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran, ngày 24/11 vẫn có các nghị sỹ Quốc hội Mỹ vẫn bày tỏ hoài nghi, đồng thời cam kết sẽ xúc tiến kế hoạch bỏ phiếu thông qua dự luật siết chặt hơn nữa các đòn trừng phạt và cô lập Iran.

Nghị sĩ McKeon, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cho rằng Iran không bị yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động làm giàu urani và ông này tin rằng thỏa thuận “khiến việc Iran có vũ khí hạt nhân trở nên khả thi hơn”. Nghị sĩ của Đảng Cộng hòa này cho rằng Quốc hội Mỹ “cần khẩn cấp” áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe hơn với Iran.

Trong khi đó, một nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa là Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện lại tỏ ý lo ngại rằng thỏa thuận này không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh. Ông Royce cho rằng thỏa thuận này đã giúp Iran giữ được những phần cơ bản của năng lực chế tạo bom hạt nhân, trong khi Mỹ lại “giảm nhẹ” các biện pháp trừng phạt.

Thông cáo báo chí của một nhóm 15 Thượng nghị sỹ Mỹ, của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, xác định một nước Iran có khả năng vũ khí hạt nhân là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh, do vậy "chúng tôi cam kết sẽ tìm mọi biện pháp ngăn chặn khả năng này". Nhóm các nghị sỹ này, trong đó có hai Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ là Bob Cardin và Bob Menendez, cho biết trong tuần tới họ sẽ cùng soạn thảo đề xuất để sớm nhất thông qua dự luật áp đặt thêm các đòn trừng phạt đối với Iran.

Thượng nghị sỹ Bop Corker của Đảng Cộng hòa, thành viên của nhóm, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News cho rằng Iran "vui mừng" vì thỏa thuận đạt được trong đêm 24/11 với nhóm P5+1 cho phép họ tiếp tục làm giầu urani trong lúc hàng tỷ USD cấm vận bị bãi bỏ. Vị nghị sỹ này cho biết mối lo lớn nhất của ông là chính quyền của Tổng thống Barack Obama không theo đuổi tới cùng các điều khoản của thỏa thuận, trong đó có việc thanh sát hàng ngày đối với các cơ sở hạt nhân của Iran.


T.N
(Theo THX/AP/TNHK)
Quốc tế tiếp tục phản ứng về thỏa thuận hạt nhân Iran
Quốc tế tiếp tục phản ứng về thỏa thuận hạt nhân Iran

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Nhóm P5+1 và Iran, đồng thời kêu gọi tiến hành “một bước tiến lớn khác” trong vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN