Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh sự hỗ trợ nêu trên là một phần trong sáng kiến nhằm đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về mức 0 - với tên gọi “Net Zero” - được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland vào năm ngoái, trong đó, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và các nhà hảo tâm để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan trong những năm qua không phát triển điện hạt nhân do người dân của quốc gia Đông Nam Á này lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản hồi năm 2011.
Nhà Trắng nêu rõ Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Thái Lan để triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ. Những lò phản ứng như vậy thường được coi là an toàn hơn so với các lò phản ứng hạt nhân truyền thống vì chúng không cần sự can thiệp của con người để đóng cửa trong trường hợp khẩn cấp.
Trong tuyên bố, Nhà Trắng cho biết các chuyên gia Mỹ sẽ phối hợp với Thái Lan để triển khai các lò phản ứng có “tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân” với diện tích đất sử dụng nhỏ hơn so với các nhà máy điện hạt nhân truyền thống.
Một số quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Nga và Argentina cũng đang phát triển lò phản ứng mô-đun nhỏ, với các nguyên mẫu đang trong giai đoạn thiết kế.
Nhà Trắng không đưa ra mốc thời gian cụ thể, song khẳng định sẽ hỗ trợ Thái Lan - quốc gia rất dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu - đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2065.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Harris thực hiện chuyến công du tới Thái Lan để tham dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bên lề Hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ đã thảo luận về những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, cũng như diễn biến tình hình ở Myanmar.