Đài NPR (Mỹ) cho biết đó là một người đàn ông 25 tuổi sống tại Nevada. Đây cũng là ca tái nhiễm SARS-CoV-2 thứ 5 được xác nhận trên toàn thế giới.
Vụ việc dấy lên câu hỏi về hệ miễn dịch của con người với SARS-CoV-2 và cho thấy tầm quan trọng của việc thực hành giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ngay cả khi trước đó bạn từng mắc COVID-19.
Bệnh nhân tại bang Nevada đã tái nhiễm SARS-CoV-2 sau 6 tuần. Trường hợp này đã được đăng tải trên tạp chí The Lancet ngày 12/10.
Theo đó, bệnh nhân lần đầu có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào tháng 4 với triệu chứng ho và buồn nôn. Anh hồi phục và âm tính với SARS-CoV-2 trong tháng 5. Đến cuối tháng 5, anh ta lại đến trung tâm y tế với triệu chứng sốt, ho, chóng mặt và vào đầu tháng 6, có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học cho biết lần thứ hai dương tính, bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn lần đầu.
Giáo sư Akiko Iwasaki tại Đại học Yale hận định: “Có nhiều lý do khiến một người có bệnh tình nặng hơn khi tái mắc bệnh. Họ có thể phải chịu lượng virus nhiều hơn trong lần tái nhiễm virus hoặc phản ứng của hệ miễn dịch từ lần đầu mắc có thể khiến căn bệnh sẽ tồi tệ hơn”.
Nhưng bà cũng nhấn mạnh đây mới chỉ là suy đoán bởi các nhà khoa học vẫn chưa nắm được nhiều thông tin về cơ chế này.
Có ý kiến lo ngại các ca tái mắc COVID-19 gây băn khoăn về hiệu quả của vaccine phòng dịch bệnh này bởi bệnh nhân từng nhiễm SARS-CoV-2 lại chưa có miễn dịch đủ để bảo vệ họ khỏi việc bị dương tính lần thứ hai.
Nhưng bà Iwasaki nói rằng các trường hợp này không thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả của các vaccine phòng COVID-19 trong tương lai. Theo bà Iwasaki, virus có thể tạo protein để “đánh lừa” hệ miễn dịch nhưng vaccine lại không có những protein này. Bà nhấn mạnh: “Điều tuyệt vời với vaccine là nó có thể hình thành miễn dịch tốt hơn, kéo dài hơn là việc bị mắc COVID-19 một cách tự nhiên”.