Mỹ ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm sởi

Giới chức y tế Mỹ ngày 5/6 thông báo số ca nhiễm sởi tại nước này từ đầu năm tới nay đã lên tới trên 1.000 trường hợp. Đây được cho là đợt bùng phát căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng tồi tệ nhất trong hơn 25 năm qua.

Chú thích ảnh
Tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella cho học sinh tại Lynwood, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế và Các dịch vụ con người (HHS) Alex Azar cho biết đã có 1.001 người mắc sởi trên phạm vi cả nước, trong đó chủ yếu ở thành phố New York. Theo ông, việc có tới trên 1.000 người mắc bệnh sởi - loại bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được, cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của người dân rằng vaccine hoàn toàn an toàn với sức khỏe.

Do đó, HHS sẽ tiếp tục nỗ lực ủng hộ các cơ quan y tế và chăm sóc sức khỏe địa phương đối phó với tình hình, với mục tiêu là ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch cũng như việc lan truyền thông tin thất thiệt về vaccine.

Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), kể từ ngày 27/5 tới nay, đã có 61 ca nhiễm sởi mới. Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, CDC đã ban hành hướng dẫn về cách nhận biết và phòng chống bệnh sởi, cũng như ban hành bộ quy định dành cho bác sĩ để đối phó với thông tin thất thiệt.

Theo CDC, dịch sởi bùng phát ở New York từ mùa thu 2018, đa số tập trung tại các cộng đồng nhỏ, nơi tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên toàn quốc hiện đang ở mức 90%. Nguồn lây bệnh là du khách tới từ những nước mà bệnh sởi vẫn còn phổ biến.

Theo đó, những người nhiễm virus sởi tới từ Israel và Ukraine đã mang theo căn bệnh đến Mỹ và lây cho những người chưa tiêm vaccine, chủ yếu là trẻ em chưa được tiêm phòng do những thông tin sai lệch từ các nhóm chống tiêm phòng tuyên truyền trong các nhóm dễ bị tổn thương.

Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio đã áp đặt một lệnh khẩn cấp - phạt người dân tại một số khu vực số tiền lên tới 1.000 USD Mỹ nếu họ không tiêm chủng. Tính từ tháng 10/2018 đến nay đã có tới 22.833 liều vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR) được tiêm cho những người dưới 19 tuổi.

Mặc dù vậy, thành phố này vẫn có tới 173 ca nhiễm sởi trong tháng 4 và 60 ca trong tháng 5. Một số tiểu bang đã bắt đầu áp dụng các chế tài mạnh với những phụ huynh không muốn tiêm chủng cho con cái.

Năm 1992 là năm ghi nhận số người nhiễm sởi cao ở mức kỷ lục tại Mỹ, với 2.126 trường hợp. Chính phủ Mỹ đã tuyên bố xóa sổ dịch bệnh này vào năm 2000 - một mục tiêu đề ra vào năm 1996 khi vaccine phòng sởi được công bố.

Theo CDC, chính quyền sẽ xem xét việc tuyên bố xóa sổ dịch sởi nếu không có ca lây nhiễm bệnh nào trong hơn 12 tháng tại khu vực địa lý đặc biệt. Do đó, nếu dịch này tiếp tục lây lan tại New York trong 4 tháng nữa, Mỹ sẽ không thể tuyên bố là đã loại bỏ hoàn toàn bệnh sởi.

Trong khi đó, các ca nhiễm sởi đang tăng nhanh trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận trên 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự bùng phát trở lại của căn bệnh từng được xóa bỏ này có liên quan đến phong trào chống vaccine ở các nước phát triển. WHO cũng coi đây là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu.

Ngọc Hà (TTXVN)
Mỹ ghi nhận thêm 41 trường hợp nhiễm sởi mới
Mỹ ghi nhận thêm 41 trường hợp nhiễm sởi mới

Ngày 20/5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nước này đã ghi nhận 41 trường hợp nhiễm sởi mới từ ngày 10-17/5, nâng số trường hợp nhiễm sởi từ đầu năm đến nay lên 880 trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN